Bước tiến dài của ngành thủy sản

Bước tiến dài của ngành thủy sản

Chia sẻ nội dung:

Ngành Thủy sản đang được đánh giá có những bước tiến dài về khoa học công nghệ, phát huy hiệu quả các lợi thế cạnh tranh.

Trong nuôi trồng đã chủ động kiểm soát được dịch bệnh bằng công nghệ cao, ngày càng nhiều mô hình nuôi thân thiện môi trường.

TS Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã trao đổi với PV NNVN một số thành quả ngành Thủy sản sau 5 năm tái cơ cấu…

TS Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản 

Ông có thể cho một khái quát quá trình tái cơ cấu ngành thủy sản? Xu thế cùng với công nghệ nuôi một số đối tượng nuôi chủ lực hiện nay?

Sau gần 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực thủy sản, được đánh giá là đạt được những bước tiến đáng ghi nhận. Giá trị sản xuất của ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 4,8%/năm, giá trị tổng sản phẩm tăng bình quân 4,5%/năm.

Năm 2017, sản lượng thủy sản đã đạt khoảng 7,2 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8,3 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2016, góp phần tạo nên tốc độ tăng tổng sản lượng bình quân 4,6%/năm (tốc độ tăng sản lượng khai thác thủy sản đạt 4,5%/năm, nuôi trồng thủy sản 4,6%/năm) và sản phẩm thủy sản nhất là sản phẩm chế biến sâu ngày càng được chú trọng phục vụ cho tiêu thụ trong và ngoài nước.

Bên cạnh khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững, thì phát huy lợi thế thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản đã được quan tâm chỉ đạo, quán triệt trong toàn hệ thống, nhằm đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy tiềm năng lợi thế thúc đẩy kinh tế, nông nghiệp và nông thôn phát triển.

Trong nuôi trồng thủy sản, tôm nước lợ (tôm thẻ, tôm sú) và cá tra là các sản phẩm chủ lực. Năm 2017, sản lượng tôm nước lợ đạt 689.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 3,85 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2016. Diện tích tôm bị thiệt hại trong những năm gần đây đã giảm rõ rệt.

Bên cạnh đó, sản lượng cá tra đạt gần 1,3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt gần 1,8 tỷ USD và nhờ những chính sách vĩ mô mà ngành hàng này đã có được sự tăng trưởng ổn định. Bên cạnh đó còn một số sản phẩm khác như nghêu, cá rô phi, cá biển và các loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao như cá hô, cá lăng, cá chiên... cũng đang được đầu tư khai thác có hiệu quả.

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL 

Đạt được những kết quả ban đầu nêu trên, trong nhiều giải pháp để thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu ngành, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ tăng năng suất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng được đặt làm trọng tâm.

Tùy theo tình hình và khả năng đầu tư để có thể ứng dụng các tiến bộ khoa học một cách phù hợp nhằm sản xuất hiệu quả nhất. Trong lĩnh vực nuôi tôm, ứng dựng khoa học công nghệ được xác định rất rõ như: Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất và chất lượng tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh và siêu thâm canh; ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất tôm sú trong các hình thức nuôi quảng canh, tôm - lúa và tôm - rừng… thân thiện với môi trường.

Với định hướng ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm thâm canh cho thấy từ năm 2011 đến 2017 trong khi diện tích tăng từ 656.425 ha lên 721.100 ha, thì sản lượng tăng từ 482.200 tấn lên 683.400 tấn. Các mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ vi sinh, biofloc… đã tăng năng suất, tỷ lệ thành công cao, kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh sự hỗ trợ công tác quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh của Nhà nước, nhiều mô hình nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quan trắc cảnh báo môi trường và kiểm soát sức khỏe thủy sản nuôi, cho ăn tự động, hay các mô hình nuôi sử dụng nhà màng để kiểm soát môi trường đảm bảo sức khỏe của tôm nuôi… trong cơ sở của mình đã góp phần giảm tỷ lệ bị thiệt hại và tăng hiệu quả trong nuôi tôm.

Bên cạnh con tôm, sản xuất cá tra cũng ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật như sử dụng vacxin để phòng bệnh, kiểm soát môi trường và tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng. Ngoài ra, phát triển các mô hình nuôi cá lồng vùng biển hở, sử dụng lồng có độ bền cao, chịu được sóng gió lớn, áp dụng biện pháp quản lý chăm sóc hiện đại cũng đã được một số địa phương và doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Hiện nay, việc áp dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, giảm tác động đến môi trường và hạn chế rủi ro là những xu hướng được các nhà sản xuất hướng tới. Ngoài ra, trong sản xuất thủy sản diện tích nuôi được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAPs và các tiêu chuẩn quốc tế khác (ASC, BAP, GlobalGAP) ngày càng tăng. Có thể thấy việc chủ động hội nhập sản xuất đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng đã được quan tâm.

Thành quả này có được rõ ràng là cả một quá trình chuẩn bị, từ chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, các địa phương và đặc biệt là nỗ lực của các doanh nghiệp, người nuôi tôm, thưa ông?

Ngành thủy sản có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua trên cơ sở những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của Bộ NN-PTNT, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Có thể kể đến Nghị quyết 09 ngày 16/6/2000 của Chính phủ về một số chủ trương và chính sách chuyển dịch cơ cấu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản 1999-2010 (QĐ 224/QĐ-TTg ngày 8/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ) là những tiền đề thúc đẩy ngành thủy sản phát triển.

Bên cạnh đó, các chiến lược, chương trình phát triển thủy sản đã kịp thời được xây dựng, phê duyệt và triển khai trong thực tế. Kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản đã được Bộ trưởng kịp thời phê duyệt (QĐ 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013). Chương trình phát triển thủy sản bền vững, các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất thủy sản được Bộ NN-PTNT chuẩn bị kỹ và triển khai hiệu quả.

Trong những năm qua, lãnh đạo Bộ NN-PTNT mà trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng đã dành rất nhiều thời gian quan tâm, chỉ đạo, định hướng sản xuất, trực tiếp giải quyết những khó khăn vướng mắc của ngành. Những vướng mắc như chuyện sản xuất, quản lý chất lượng tôm giống, bàn giải pháp phát triển bền vững ngành tôm, giải pháp phát triển sản xuất cá tra bền vững, hay định hướng phát triển nuôi biển… đều được người đứng đầu ngành Nông nghiệp trực tiếp xem xét giải quyết. Ban Cán sự Đảng Bộ có những buổi làm việc chuyên đề và đưa ra nghị quyết thúc đẩy phát triển các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Lãnh đạo Bộ trực tiếp đi nhiều địa phương đánh giá kết quả tái cơ cấu nông nghiệp, hỗ trợ địa phương tập trung khai thác lợi thế tiềm năng giúp sản xuất thủy sản phát triển.

Ngành thủy sản đạt nhiều thành tựu sau 5 năm tái cơ cấu

Ngành thủy sản đạt nhiều thành tựu sau 5 năm tái cơ cấu 

Thêm thuận lợi cho ngành là những năm gần đây nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào chuỗi sản xuất thủy sản. Số lượng doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, số lượng tiến bộ kỹ thuật đặc biệt là tiến bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản được công nhận đang tăng mạnh. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản của người dân và doanh nghiệp có kết quả rất tốt, sản xuất bền vững. Hàng trăm HTX, THT trong lĩnh thủy sản được hình thành. Chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, người dân, HTX/THT ngày càng mở rộng, nhất là trong nuôi tôm nước lợ và cá tra.

Nuôi trồng thủy sản đang được ngành Nông nghiệp đưa lên vị trí ưu tiên đầu tư phát triển hàng đầu khi chúng ta có nhiều dư địa sản xuất cũng như nhiều cơ hội thị trường. Ông có thể nêu một số định hướng cụ thể?

Ngành thủy sản hiện còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là khu vực ĐBSCL, nơi tập trung sản xuất thủy sản cho xuất khẩu ở nước ta. Bên cạnh đó, các vùng, địa phương khác nhau tùy theo tình hình đều có những định hướng chiến lược cụ thể. Để tiếp tục thu được những kết quả cao và bền vững, một số định hướng cần được tiếp tục đẩy mạnh triển khai trong thực tiễn:

- Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản như đề án tổng thể đã được phê duyệt, trong đó tổ chức lại sản xuất, tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị. Rà soát các đối tượng chủ lực để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, phát triển thị trường nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế một cách bền vững và hiệu quả. Trong đó đáng lưu ý tính liên kết vùng cần được quan tâm đúng mức trong việc cân đối cung cầu và ổn định sản xuất.

- Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để giảm giá thành sản xuất, giảm rủi ro, đảm bảo chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị.

- Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, điện phục vụ cho phát triển thủy sản. Tăng cường công tác cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh để hạn chế rủi ro cho người nuôi và môi trường.

- Đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, tiên tiến và công nghệ sạch vào sản xuất cho người dân và doanh nghiệp.

- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị trong ngành thủy sản. Giữ vững các thị trường truyền thống, tăng cường xúc tiến mở các thị trường mới, thị trường cho các sản phẩm giá trị gia tăng…

Ngoài ra, các định hướng phát triển sản xuất thủy sản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt cho đến năm 2020 và các năm tiếp theo cần được thực hiện một cách quyết liệt, triệt để để đạt được mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website  
>