Cà Mau: Cải tiến tất cả các hình thức nuôi tôm

Cà Mau: Cải tiến tất cả các hình thức nuôi tôm

Chia sẻ nội dung:

Bên cạnh hiệu quả triển vọng của mô hình, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng nuôi tự phát, không theo đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là rất lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải kiểm tra đột xuất ngẫu nhiên tại hộ nuôi tôm, trực tiếp căn dặn và động viên người nuôi tôm hoàn thiện quy trình nuôi an toàn, năng suất cao, không gây ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải kiểm tra đột xuất ngẫu nhiên tại hộ nuôi tôm, trực tiếp căn dặn và động viên người nuôi tôm hoàn thiện quy trình nuôi an toàn, năng suất cao, không gây ô nhiễm môi trường. 

Trong khi diện tích ao nuôi tôm công nghiệp đến hết tháng 9 giảm 64ha so với cuối năm 2016, thì diện tích nuôi tôm siêu thâm canh phát triển khá nhanh. Đến nay đã có 570 hộ nuôi, với hơn 675ha; trong đó diện tích ao nuôi khoảng 250ha, còn lại là khu vực xử lý nước; năng suất thu hoạch khoảng từ 20 - 50 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thành công trên 85%.

Với tinh thần kiên quyết, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi - ông Nguyễn Chí Thuần cho biết sẽ phối hợp với ngành Điện lực cắt điện đối với những hộ nuôi không đủ điều kiện, đã cam kết khắc phục nhưng không thực hiện, tiếp tục tái phạm.

Được biết, trên địa bàn huyện Đầm Dơi, qua kiểm tra đợt 1 đối với 252 hộ trên phần diện tích 204ha, đã phát hiện 84 hộ thiếu điều kiện thả nuôi, yêu cầu khắc phục. Đặc biệt, có đến 48 hộ không đủ điều kiện; nguyên nhân là do diện tích đất ít, khó khắc phục để hình thành các công trình phụ, nhất là ao lắng cấp và thoát nước. Nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh đang có chiều hướng gia tăng nhanh trên địa bàn, khi chỉ trong tháng 9 đã phát sinh thêm 52 hộ với diện tích 70ha, đưa tổng diện tích trên toàn huyện lên 274ha của 305 hộ nuôi, đứng đầu cả tỉnh.

Thống nhất với quan điểm xử lý kiên quyết đối với những hộ nuôi tôm siêu thâm canh không đủ điều kiện nuôi nhưng vẫn cố tình vi phạm của huyện Đầm Dơi, ông Phạm Phúc Giang - Chủ tịch UBND huyện Cái Nước cho rằng thấy khó áp dụng trên địa bàn, bởi trước đây việc triển khai hình thức nuôi này chưa được chặt chẽ, khi người nuôi đã đầu tư với nguồn kinh phí khá lớn, nếu buộc ngưng sản xuất sẽ hết sức khó khăn. Trong 13 hộ chưa đảm bảo đúng theo quy trình nuôi được hướng dẫn, qua đợt kiểm tra của ngành chức năng huyện, có 4 hộ khó khắc phục do diện tích đất nhỏ, nếu không giám sát chặt, khi nuôi khả năng sẽ xả thải chưa qua xử lý ra môi trường là rất lớn.

Tại huyện Phú Tân, hiện có 117 hộ nuôi với 200ha. Qua kiểm tra phát hiện 64 hộ nuôi chưa đủ điều kiện, chưa theo quy trình hướng dẫn. Huyện đang tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, thời gian tới sẽ kiểm tra lại.

Lo lắng trước thực trạng trên, trong tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành chuyên môn cấp tỉnh đã trực tiếp xuống địa bàn, kiểm tra ngẫu nhiên các hộ đang và chuẩn bị thả nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh trên địa bàn ba huyện Đầm Dơi, Cái Nước và Phú Tân. Qua kiểm tra từng công đoạn theo quy trình nuôi đã được tỉnh lựa chọn, cho thấy phần lớn các hộ nuôi đều không đạt yêu cầu, nhất là về chất lượng, an toàn về điện và xử lý môi trường trong quá trình nuôi, đặc biệt là việc xả thải.

Bên cạnh yêu cầu ngành chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tận tình hướng dẫn người nuôi hoàn thiện quy trình nuôi, khắc phục những tồn tại, để những vụ nuôi được hiệu quả và an toàn, không gây ô nhiễm môi trường; gặp gỡ từng hộ nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải căn dặn và động viên người dân nêu cao sự chủ động, bảo vệ thành quả cũng như sự an toàn trong lao động, sản xuất

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp UBND tỉnh đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2017 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nêu rõ chủ trương nhất quán của tỉnh là phải cải tiến tất cả các hình thức nuôi tôm, nhất là nuôi tôm siêu thâm canh; nhất quyết không để người dân sản xuất tự phát, hiệu quả rất thấp, ảnh hưởng môi trường. Đối với nuôi tôm siêu thâm canh, phát động và tổ chức đăng ký sản xuất ngay từ đầu; chính quyền và ngành chuyên môn thẩm định các điều kiện sản xuất, khi thấy đủ điều kiện mới cho nuôi tôm, còn không đủ điều kiện thì dứt khoát không cho thả nuôi. Nơi nào để xảy ra ô nhiễm môi trường do xả thải trong nuôi tôm vì không đủ điều kiện vẫn sản xuất, thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo cấp trên.

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website  
>