Cân nhắc thị trường cá tra trong tương lai

Cân nhắc thị trường cá tra trong tương lai

Chia sẻ nội dung:

 - Sự tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc đã khiến ngành cá tra Việt Nam có những khởi sắc đáng kể. Vậy nhưng, nhiều cảnh báo cho thấy rằng, sự “ưu ái” của thị trường này với con cá tra chỉ là tạm thời.


Xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt doanh thu từ 3 thị trường lớn gồm Mỹ, EU và Trung Quốc 

Tăng trưởng tích cực

Xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt doanh thu cao chủ yếu từ 3 thị trường lớn gồm Mỹ, EU và Trung Quốc, ngoài ra còn có một số thị trường nhỏ tại Đông Nam Á. Những năm gần đây, thị phần của cá tra Việt Nam tại 3 thị trường lớn nói trên đã thay đổi từ khi cá tra sụt giảm doanh số xuất khẩu đáng kể do truyền thông châu Âu đăng tải những thông tin bất lợi, cũng như sức ép cạnh tranh từ nhiều sản phẩm cá thịt trắng khác.

Năm năm qua, xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu đã giảm một nửa. Tuy nhiên, thị trường Anh là ngoại lệ khi lượng nhập khẩu cá tra tăng cao trong năm 2017, đạt 46 triệu USD, tăng 2,5%. Gần đây nhất, doanh thu xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng vọt, tạo đà cho giá cá tra tăng cao trên thị trường toàn cầu trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Đầu năm 2018, ngành cá tra Việt Nam đã đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD, trong số có 25% doanh thu từ thị trường Trung Quốc.  

Tiềm ẩn rủi ro

Ngoài quy định giám sát an toàn thực phẩm với các lô hàng cá tra, Mỹ cũng tăng thuế chống bán phá giá lên một số sản phẩm fillet cá tra của Việt Nam. Tháng 3 vừa qua, mức thuế này đã tăng đáng kể từ 2,39 USD/kg lên 3,87 USD/kg, được áp dụng với một số công ty xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Việc này đã đẩy giá cá tra tăng cao, khiến nhiều người tiêu dùng tại Mỹ chuyển sang các loại cá thịt trắng khác như cá minh thái Alaska của Mỹ.

Gần đây, Cục kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công nhận hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ. Điều này chứng minh quy trình sản xuất cá tra của Việt Nam được tổ chức kiểm soát tốt và hoàn toàn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh cá tra Việt Nam ở thị trường Mỹ và các thị trường khác. Đó là một tín hiệu tích cực, song hàng rào thuế chống bán phá giá mà Mỹ dựng lên lại quá kiên cố; đây mới là thách thức lớn nhất với cá tra, basa của Việt Nam tại thị trường này và đến nay, vẫn chưa được gỡ bỏ.  

Việt Nam đã mở rộng kết nối thương mại với Trung Quốc và sản phẩm cá tra nuôi của Việt Nam được người tiêu dùng tại thị trường này đón nhận tích cực. Nhờ đó, trị giá xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng từ 50 triệu USD trong năm 2011 lên gần 400 triệu USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính và đã bắt đầu siết chặt hàng rào kỹ thuật và và kiểm soát chặt chất lượng hàng nhập khẩu chính ngạch. Người tiêu dùng tại thị trường này nhạy cảm với các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, và đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm nhập khẩu đạt tiêu chuẩn châu Âu, châu Mỹ.

Ngoài ra, nông dân Trung Quốc, đặc biệt ở miền Nam cũng đang sốt sắng muốn thay đổi đối tượng nuôi mới vì ngành cá rô phi sau hơn một thập kỷ tăng trưởng quá nóng đang lao dốc và yếu thế. Các nhà quản lý ngành cũng đang rà soát và đánh giá toàn bộ lợi thế, bất lợi có liên quan tới lĩnh vực nuôi cá tra và tận dụng công nghệ nuôi và chế biến sẵn có từ ngành cá rô phi. Không có gì đảm bảo cá tra sẽ giữ được thế độc tôn tại thị trường này.

Triển vọng

Ngoài Đông Nam Á, nhu cầu tiêu thụ cá tra cũng tăng mạnh tại nhiều thị trường mới như Mỹ Latinh, Nam Á và Trung Đông. Thu nhập cũng như tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và ngành khai thác thủy sản trì trệ tại những thị trường mới nổi này chính là nguyên nhân khiến những sản phẩm cá nuôi, giá rẻ như cá tra, basa có chỗ đứng ổn định và kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong tương lai.

Mặc dù, khó khăn tại thị trường Mỹ và châu Âu vẫn luôn hiện hữu, nhưng tiêu thụ mạnh từ Trung Quốc và một số thị trường nhỏ và mới nổi cũng đủ khả năng giữ cho giá cá tra, basa ổn định ở mức tương đối cao đến hết năm nay. Thực tế, trong quý 2 năm nay, giá nguyên liệu cá tra đã chạm mốc kỷ lục (31.000 -33.000 VNĐ, tương đương 1,37 - 1,43 USD/kg), tăng gần 25% so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, giá fillet cá tra trung bình xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2018 cao hơn cùng kỳ năm ngoái 50%.

Tuy nhiên, khi diện tích cá tra được mở rộng, kéo theo sản lượng đầu ra tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá bán trên thị trường và có thể kéo giá cá tra xuống và xa hơn nữa là nguy cơ bất ổn trên thị trường.

Về lâu dài, nhu cầu tiêu thụ có đạt tăng trưởng tích cực hay không còn phụ thuộc vào khả năng ngành cá tra Việt Nam duy trì được vị thế tại thị trường cạnh tranh gay gắt như Trung Quốc. Và rộng hơn, là phụ thuộc vào tình hình ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngay lúc này, các hãng kinh doanh và cả người nuôi cá tra tại Việt Nam phải nhanh chóng nhận dạng được những rủi ro nếu quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để sớm có chiến lược dự phòng và đa dạng hóa thị trường. 

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website