Khuyến ngư 2019: Nổi bật chương trình “5 mới”

Khuyến ngư 2019: Nổi bật chương trình “5 mới”

Chia sẻ nội dung:

- Tinh thần mới, nhận thức mới, cách làm mới, quyết tâm mới và thành công mới; “5 mới” này sẽ được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chú trọng trong hoạt động khuyến ngư 2019, nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đạt được trong năm qua.


Hiệu quả nhiều mô hình khuyến ngư được người dân nhân rộng Ảnh: Quang Quyết 

Điểm nhấn nổi bật 2018

Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Năm 2018, khuyến ngư triển khai 8 dự án, trong đó có 6 dự án về nuôi trồng, 2 dự án về khai thác. Cả 8 dự án này đều triển khai đúng tiến độ, hiệu quả tăng ít nhất 20% so với ngoài mô hình, nhân rộng nhanh.

Điển hình như Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá điêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” triển khai trên 7 tỉnh có điều kiện nuôi cá lồng như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình, với quy mô 1.400 m3 lồng. Ông Đặng Xuân Trường, Chủ nhiệm Dự án cho biết: “Các đối tượng thủy sản được lựa chọn đều dễ nuôi, nhanh lớn, có giá trị kinh tế cao, lợi nhuận thu được bình quân 800.000 đồng/m3 lồng/vụ. Dự án tập huấn kỹ thuật 14 lớp cho 426 học viên, tổng kết và hội nghị đầu bờ 4 cuộc cho 280 đại biểu, hội thảo nhân rộng 1 cuộc cho 120 đại biểu. Trong năm 2018, nhân rộng thêm 40 mô hình. Dự án triển khai chủ yếu tại các vùng khó khăn và tập huấn hướng dẫn cho đồng bào dân tộc ít người nên có ý nghĩa cao trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”.

Hay như Dự án “Xây dựng mô hình cơ giới hóa nghề lưới chụp cho các đội tàu khai thác hải sản xa bờ” được triển khai tại 7 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thánh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Bình thuận. Dự án đã giúp tăng năng suất khai thác từ 9 - 22 tấn/chuyến biển, cao hơn so với các tàu lắp tời ma sát truyền thống 1,2 - 1,4 lần; lợi nhuận đạt 60 - 270 triệu đồng/tàu/chuyến, cao hơn tàu lắp tời ma sát truyền thống 1,2 - 1,5 lần; thu nhập của người lao động cũng tăng hơn tàu không tham gia mô hình 1,2 - 1,6 lần; nhân lực giảm 2 - 3 thuyền viên so với tàu không lắp tời thủy lực. Dự án tập huấn 14 lớp với 455 học viên; tổng kết 7 cuộc với 245 đại biểu tham dự. Năm 2018, Dự án nhân rộng hơn 100 tàu.

Ngoài ra, việc thực hiện triển khai mô hình, các dự án khuyến ngư đã đào tạo chuyên môn cho 3.787 học viên; hội nghị đầu bờ nhân rộng mô hình cho 2.064 đại biểu; tổ chức hội thảo cho 752 đại biểu.

Còn nhiều khó khan

Cũng theo ông Kim Văn Tiêu, mặc dù hoạt động thủy sản đạt được nhiều kết quả, song cũng tồn tại không ít khó khăn. Một là, đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu, số người giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, say mê, làm được việc không nhiều. Đơn cử như tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tỷ lệ cán bộ khuyến nông trên đầu người rất thấp, bình quân 37.201 người mới có 1 cán bộ khuyến nông. Không những thiếu về nhân lực cấp cơ sở, đội ngũ khuyến nông còn nhiều hạn chế về trình độ, số cán bộ khuyến nông có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 31,9%.

Hai là, nguồn kinh phí đầu tư cho khuyến ngư rất thấp, sau 10 năm sáp nhập giữa Bộ Thủy sản và Bộ NN&PTNT, kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến ngư vẫn không tăng. Ngay kinh phí trả cho những khuyến nông viên còn hạn chế, trong khi đội ngũ này rất quan trọng. Họ là người trực tiếp tổ chức vận động nông dân tham gia vào các chương trình nông nghiệp trọng điểm của huyện, tuy nhiên hiện nay họ không có lương, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội, phụ cấp còn thấp nên không tuyển được người đúng chuyên môn, có trình độ. Thậm chí, nhiều lãnh đạo xã tại địa phương từng phải vận động cán bộ đã nghỉ hưu đi làm khuyến nông nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Bên cạnh đó, kinh phí cho triển khai mô hình không phải nhỏ, nên để có sức thuyết phục và nhân rộng cũng cần đầu tư và thời gian triển khai. Một số Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn xảy ra tình trạng dự án dự kiến thực hiện dài năm nhưng được rút xuống chưa đến một nửa, do đó khó có thể hoàn thành mục tiêu.

Ba là, nhiều mô hình hiệu quả nhưng chưa nhân rộng được là vì chưa tổ chức lại sản xuất, không có sự liên kết với doanh nghiệp, không làm theo mệnh lệnh của thị trường nên làm ít thì thiếu mà nhiều lại thừa.

Bốn là, người sản xuất vẫn theo lối cũ, chưa đổi mới tư duy theo yêu cầu của người tiêu dùng. Người nông dân thông minh phải biết sản xuất sản phẩm cho người tiêu dùng thông minh, người tiêu dùng thông minh khi mua sản phẩm họ phải biết ai sản xuất, sản xuất ở đâu, bằng cách nào, có an toàn thực phẩm hay không?

Năm là, người nông dân thiếu vốn; thiếu thông tin thị trường; thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản lý. Đặc biệt, hoạt động khuyến nông còn hạn chế đến với người nghèo, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa vẫn khó tiếp cận. Nguyên nhân là do cơ chế tài chính, bởi khuyến nông hoạt động theo hình thức Nhà nước và nông dân cùng đóng góp. Chẳng hạn, mức hỗ trợ bình quân của Nhà nước cho khu vực đồng bằng là 30%, trung du miền núi 50%, vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo 80%... Muốn làm mô hình, bà con phải đóng góp, vì thế người nghèo ít có cơ hội hưởng lợi.

Hoạt động trọng tâm 2019

Với tư duy “5 mới”, các dự án khuyến ngư tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực như an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đầu ra bền vững với mục tiêu là tăng thu nhập cho người nông dân, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Như trong năm qua, mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm được nhiều người đánh giá cao, không chỉ bởi kết quả của dự án mà điểm mới đem lại. Cụ thể, dự án đã xây dựng được 8 mô hình và đánh giá cấp chứng nhận theo VietGAP tại 8 tỉnh, gồm Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Với quy mô 24 ha, có 24 hộ tham gia, đạt 100% kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng đạt được là 400,8 tấn, hiệu quả tăng cao hơn 20% so với ngoài mô hình, bình quân mỗi ha thu lợi nhuận 90 triệu đồng/ha/vụ. Sản phẩm cá rô phi đạt an toàn vệ sinh thực phẩm và được các doanh nghiệp tiêu thụ 100%, tạo cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Điểm mới của mô hình là gắn với tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Với những kết quả đạt được, dự án đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và có trên 40 tin, bài quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, lợi ích của mô hình được đông đảo người dân học tập, diện tích nhân rộng đã tăng lên là 100 ha.

Trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến ngư trọng tâm năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ thực hiện đồng bộ 3 nội dung là: Xây dựng mô hình; đào tạo, tập huấn chuyển giao; thông tin tuyên truyền để một người làm, hàng ngàn người biết, trăm hộ học tập và làm theo.

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website  
>