Một thời doanh nhân tôm

Một thời doanh nhân tôm

Chia sẻ nội dung:

VASEP thành lập năm 1998. Thời điểm dó cũng là bước ngoặt của “làng” tôm Việt Nam, đang “rửa mặt”, thay áo mới…bước ra thế giới, đánh dấu một sự chuyển đổi về chất trong ngành chế biến tôm đông lạnh Việt Nam. Qua các lớp bồi dưỡng kiến thức do dự án Danida tài trợ, việc cải thiện các điều kiện sản xuất ở các nhà máy Việt Nam đã có sự thực hiện mạnh mẽ, HACCP được áp dụng song song với các chương trình quản lý chất lượng đã thực hiện trước đó như vệ sinh công nghiệp, thực hành sản xuất tốt...

Năm 1998 bản đồ thị phần và cơ cấu tôm Việt Nam xuất khẩu có sự chuyển đổi mạnh. Thời điểm đó, loạn lạc tại Indonesia khiến nhiều nhà nhập khẩu từ Nhật Bản tìm nơi khác, giảm thiểu rủi ro hơn. Đích đến là đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nhiều nhà máy chế biến mới xây (FIMEXVN, MINH PHÚ) hoặc vừa sửa chữa mới đáp ứng yêu cầu phần cứng HACCP.

Nếu trước đây, tôm nobashi chỉ là đặc quyền của một số ít nhà máy và sản xuất quy mô nhỏ như: Xí nghiệp Mặt hàng Mới, Công ty TNHH Kim Anh, nay bất ngờ có rất nhiều thương nhân Nhật Bản tìm tới đặt vấn đề mua tôm nobashi và họ sẽ hướng dẫn cách làm. Tôm nobashi được sản xuất phổ biến dần và liền sau đó là chế biến tôm ebi fry, dù bột phải nhập hoàn toàn từ Thái Lan. Khoảng năm năm sau là tôm friter, tempura cũng được tổ chức sản xuất từng bước dần.

Cũng quãng thời gian 1998, các nhà nhập khẩu từ Hoa Kỳ cũng mạnh dạn tìm đến mỏ tôm Việt Nam. Ban đầu Việt Nam cung ứng tôm block nhưng nhanh chóng chuyển sang tôm tươi, luộc IQF. Nếu năm 1995, Công ty CP Thủy sản CAFATEX đi đầu trong việc chế biến tôm luộc IQF cung thị trường Hoa Kỳ thì chỉ mấy năm sau đó nhiều nhà máy chế biến ở đồng bằng đã trang bị máy hấp nhập từ châu Âu, châu Mỹ. Một sự chạy đua, có phần ganh đua giữa các nhà máy chế biến tôm Việt Nam khởi động ở mốc 1998 và trong vòng vài năm, trình độ chế biến tôm Việt Nam từ “chiếu” thấp nhất ngang hàng Ấn Độ, Bangadesh và nhảy lên chiếu cao nhất ngang hàng Indonesia và chỉ thua kém Thái Lan chút ít.

Một sự nỗ lực mang tính kỳ tích, nếu không ngồi lại, nhìn lại một cách thấu đáo sẽ không nhận thức hết công sức đóng góp của cộng đồng doanh nhân tôm Việt Nam. Một minh họa để thấy trình độ chế biến của Việt Nam nhanh như thế nào. Nếu năm 1995 Ấn Độ và Việt Nam cùng chiếu dưới trong kỹ thuật chế biến. Chỉ ba năm sau trình độ Việt Nam đã lên chiếu trên trong khi mãi đến mấy năm gàn đây Ấn Độ mới thúc đầy làm tôm tươi IQF với thiết bị cấp đông nhập từ Việt Nam. Trình độ chế biến cao, các nhà máy tôm Việt Nam sản xuất được nhiều mặt hàng tinh chế, giá trị cao. Từ đó có điều kiện mua tôm nguyên liệu với giá cao, mà hiện nay giá mua tôm nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long cao hơn giá tôm nguyên liệu ở Ấn Độ khoảng 20%. Điều đó kích thích người nuôi tôm mở rộng quy mô nuôi, góp phần từng bước đưa công nghiệp tôm Việt Nam vào nhóm cường quốc, top 4 thế giới.

Từ năm 1998 và quãng 15 năm sau đó là thời hoàng kim con tôm Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh mẽ đạt mốc nữa tỷ, một tỷ, hai tỷ, ba tỷ USD và cơ cấu sản phẩm từng bước thay đổi theo hướng tích cực. Trước đó, vùng Cà Mau tập trung xuất khẩu tôm thịt PUD với nguồn tôm tự nhiên phong phú từ các kinh rạch, ao đầm. Từ năm 1998 con tôm sú từng bước được thả nuôi, chủ yếu là thả lan trong các ao nuôi tôm tôm bạc, tôm đất lấy giống từ thiên nhiên. Con tôm sú từng bước tăng tỉ lệ trong sản lượng tôm xuất khẩu.

Phong trào nuôi tôm sú lan từ bán đảo Cà Mau lên các tỉnh ven biển như Sóc Trăng Trà Vinh. Nhất là Sóc Trăng, người nuôi đã nhạy bén nuôi tôm sú thâm canh với quy mô khá lớn từ năm 2000. Và đúng mười năm sau, con tôm thẻ chân trắng được phép nuôi “thử nghiệm” ở các tỉnh ven biển này. Chỉ trong năm năm con tôm thẻ chân trắng đã “đuổi” khá “thô bạo” con tôm sú ra khỏi các ao nuôi. Từ năm 2015 sản lượng tôm thẻ đã không thua kém tôm sú và góp phần đưa sản lượng tôm nuôi Việt Nam lên mốc trên nữa triệu tấn.

Gắn liền với quãng thời gian nói trên là tiếng tăm của nhiều nhà máy chế biến và các doanh nhân điều hành. Nếu những năm 80 của thế kỷ trước, Xí nghiệp Mặt hàng mới (của Lê Văn Phát, Nguyễn Hải Triều) đi đầu trong chế biến tôm duỗi và chuyển giao cho Công ty TNHH Kim Anh (do anh Đỗ Ngọc Quí làm Giám đốc) thì KIM ANH trở thành lá cờ đầu mặt hàng tôm này ở miền Tây. KIM ANH đã “độc quyền” nhiều năm. Mãi năm 1996, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEXVN) (do tôi làm Tổng Giám đốc) chế biến mặt hàng này và không ngừng mở rộng, đến năm 1998 FIMEXVN đã trở thành nhà máy xuất khẩu tôm nhiều nhất vào Nhật Bản và Việt Nam.

Trước đó thứ hạng này thuộc Công ty TNHH CAMIMEX (của chị Nguyễn Thị Tuyết) và sau đó là KIM ANH. Nhưng qua đầu thế kỷ XXI, Công ty TNHH MINH PHÚ (của anh Lê Văn Quang) đã độc tôn vị trí này. Nếu năm 1995 CAFATEX (Chủ tịch, TGĐ là anh Nguyễn Văn Kịch) đi đầu trong chế biến tôm luộc thì ngay sau đó động thái này đã đánh động gần như toàn ngành, nhất là các nhà máy mới xây đều trang bị dây chuyền tôm luộc.

Những doanh nhân tôm Việt Nam một thời lẫy lừng (không kể các doanh nhân giai đoạn bao cấp) từ Nam tới Bắc khá nhiều. Nhưng đa phần trường thành trễ, ở độ tuổi trên 45, cho nên thời gian tại vị có hạn. Nếu kể từ lúc hình thành VASEP, các doanh nhân tôm có vị thể là Thực (Công ty CP XK Thủy sản 2 Quảng Ninh) ở phía Bắc, Phạm Mạnh Hoạt ở Công ty Cổ phần XNK Thủy sản miền Trung được cơ cấu chức vụ Phó chủ tịch VASEP. Ngay sau đó là Hồ Quốc Lực và Nguyễn Văn Kịch được bổ sung vào chức vụ này. Cuối năm 2003, tôi làm chủ tịch VASEP thay chị Nguyễn Thị Hồng Minh, năm 2007 là Trần Thiện Hải (SEA MINH HAI) tiếp tục kế thừa vai trò này. Năm 2016, anh Ngô Văn Ích (NTSF F17) thay thế anh Trần Thiện Hải. Tất cả đều là doanh nhân tôm. Nêu ra để thấy doanh nhân tôm có uy tín để đảm nhận vai trò cao nhất trong Hiệp hội chung toàn ngành thủy sản.

Thời gian qua nhanh, quá khứ đầy tự hào chưa phai nhưng con người phôi pha qua thời gian. Các doanh nhân tôm một thời trai trẻ, sung sức, đầy nhiệt huyết nay chân chùng tóc phai và ai cũng ít nhiều có vấn đề về sức khỏe và lần lượt rời vị trí để các thế hệ tiếp theo kế thừa. Thậm chí có người đã ra đi mãi mãi… Tuổi trên 60 trụ lại tới lúc này còn không bao nhiêu người cũ. Bây giờ đã xuất hiện một thế hệ doanh nhân tôm mới, chắc không thua kém chú, anh xưa như Sóc Trăng có anh Trần Văn Phẩm (STAPIMEX), Võ Văn Phục (VINA CLEANFOOD), Đỗ Ngọc Tài (TAIKA), Phạm Hoàng Việt (FIMEX VN) đều là những nhà máy toàn chế biến hàng tinh chế.

Nếu các doanh nhân cá bị “án oan” là bán phá giá khiến cá tra rơi cảnh tiêu điều (thực tình ai bất bình thường mới mua cao bán thấp. Chỉ có rơi vào hoàn cảnh khó khăn bức bách như tới hạn trả nợ ngân hàng, cá nuôi dưới ao tới lứa phải thu hoạch, kho lạnh ứ hàng… mới làm như vậy. Mà bản chất do cung thừa!) thì các doanh nhân tôm chưa hề rơi vào hoàn cảnh oái ăm như vậy (chỉ trừ trường hợp năm 2008, do khủng hoảng tài chánh thế giới, tôm xuống giá quá mạnh khiến người nuôi, doanh nghiệp đều bị khó khăn).

Bù lại, các doanh nhân tôm Việt Nam đã có sự cống hiến không nhỏ cho ngành. Đầu ra quyết định đầu vào. Đầu vào đầy đủ, đầu ra thêm mạnh mẽ. Sự nỗ lực bươn chải, tìm nguồn vốn trang bị phần cứng; sự nỗ lực học hỏi hoàn thiện phần mềm không phải doanh nhân trong tất cả các ngành có sự đồng lòng như doanh nhân tôm. Sự cố gắng đó tạo sự thuyết phục để kéo được các hệ thống phân phối thủy sản lớn trên thế giới tìm về Việt Nam, chớ đâu phải là chuyện sung rụng. Sự cố gắng đó tạo sự lan tỏa trên bình diện xã hội rất lớn.

Xuất khẩu nhiều, giá tốt dẫn tới mua nguyên liệu giá cao. Giá tôm tươi cao khiến nhiều người tham gia nuôi tôm. Dẫn đến các cơ sở làm tôm giống mọc lên mà bây giờ mọc như nấm (trên 2400 cơ sở khiến việc quản lý khó mà xuể); các nhà máy sản xuất thức ăn xây hàng loạt, đủ tên các đại gia trong ngành, toàn tầm cỡ thế giới; chế phẩm nuôi tôm cũng luôn đủ cung ứng với chủng loại quá phong phù đến nỗi khó lòng quản lý chặt! Rồi cơ sở làm dụng cụ nuôi như làm quạt nước, làm máy cho tôm ăn…Hơn nữa còn tạo việc làm cho các cơ sở cung ứng, cho các lao động nuôi tôm, chế biến tôm…

Kỷ niệm 20 năm thành lập VASEP, chúng ta mừng may mắn có một tổ chức của riêng mình hình thành đúng lúc, đã góp nhiều công sức để có bộ mặt ngành khá khang trang hiện nay và qua đó VASEP trở thành một hiệp hội mạnh hàng đầu cả nước. Nhưng ngày kỷ niệm hôm nay chắc cũng là mốc rõ ràng chuyển giao thế hệ trong ngành chế biến tôm. Những ai vang bóng một thời rồi cũng đi qua. Nhưng cái an ủi là thành quả đã tạo ra không bị suy giảm, phôi pha; mà chắc chắn được thế hệ sau phát huy làm tốt hơn nữa. Nhất là trong giai đoạn thập niên tới, con tôm trong tầm ngắm của Chính phủ, có nhiều chính sách đầu tư để con tôm Việt có thêm động lực, sức mạnh vươn xa hơn nữa. Các doanh nhân tôm một thời hãy an lòng…

TS.Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP (Nhiệm kỳ 3, 2004-2007), Chủ tịch HĐQT Công ty FIMEX VN

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website  
>