Ngày càng ít hộ dân nuôi cá tra

Ngày càng ít hộ dân nuôi cá tra

Chia sẻ nội dung:

Tình trạng thua lỗ kéo dài thời gian qua đã khiến số hộ nuôi cá tra thương phẩm nhỏ lẻ ngày một teo tóp dần và hiện còn chưa đầy 12% trong tổng số diện tích nuôi cá tra toàn ngành.

Kết quả điều tra phương thức nuôi trồng thủy sản năm 2012 của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản cho thấy hoạt động sản xuất cá tra thương phẩm được thực hiện bởi 3 hình thức chính, gồm nông hộ, doanh nghiệp và hợp tác xã.

Theo kết quả điều tra vào năm 2012, nông hộ nuôi đạt 1.748 héc ta, chiếm 48,7% tổng diện tích nuôi; doanh nghiệp đạt 1.761 héc ta, chiếm 49,1% và hợp tác xã đạt hơn 77 héc ta, chiếm 2,2% tỉ trọng toàn ngành.

Đến năm 2013, Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) tổng hợp số liệu báo cáo từ các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho thấy nông hộ nuôi chỉ còn chiếm tỉ trọng 35,5%; doanh nghiệp tăng lên 59,9% và hợp tác xã chiếm 4,6%.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dựa vào số liệu đăng ký nuôi cá tra thương phẩm theo nghị định cá tra (Nghị định 36/2014/NĐ-CP về tình hình sản xuất chế biến và xuất khẩu cá tra - PV), cho thấy từ ngày 1-6 đến ngày 18-7-2015, toàn vùng ĐBSCL đăng ký nuôi đạt 1.225 héc ta, trong đó chỉ riêng doanh nghiệp là 1.080 héc ta, chiếm 88,1% diện tích đăng ký toàn ngành trong khoảng thời gian trên; nông hộ đăng ký nuôi chỉ còn 145 héc ta, chiếm chỉ 11,9% và hợp tác xã đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Theo VN Pangasius, sản xuất cá tra đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, lên đến cả chục tỉ đồng/héc ta, cho nên khi giá cá nguyên liệu có sự biến động bất lợi (giá bán dưới giá thành sản xuất), các nông hộ và hợp tác xã rất khó duy trì được hoạt động sản xuất và buộc phải chuyển sang nuôi gia công hoặc làm thuê cho doanh nghiệp. Đây cũng là lý do chính khiến cơ cấu sản xuất cá tra đã có sự thay đổi lớn như hiện nay.

Về diễn biến giá cá tra nguyên liệu, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm tổ hợp tác sản xuất cá tra Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, cho biết hiện cá tra thịt trắng, trọng lượng từ 700-900 gam/con có giá chỉ 20.000-21.000 đồng/kg, trong khi cá quá lứa có trọng lượng 1,5-1,8 kg/con có giá 20.500-21.500 đồng/kg.

Theo ông Hải, sở dĩ cá qua lứa có giá cao hơn, do nhu cầu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và các nước ASEAN - những thị trường tiêu thụ mạnh cá quá lứa - đang tăng mạnh hơn so với các thị trường khác như Mỹ, EU…

Còn theo báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ ngày 1-1 đến ngày 15-7-2015, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước đạt trên 814 triệu đô la Mỹ, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

TBKTSG Online

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website