Nuôi tôm vụ đông hậu Covid: Có nên chăng?

Nuôi tôm vụ đông hậu Covid: Có nên chăng?

Chia sẻ nội dung:

Nếu nuôi tôm vụ đông được ví như “đánh bạc với trời” bởi tính rủi ro và hiệu quả kinh tế thì giờ đây- thời kỳ hậu covid lại khiến người nông dân trăn trở thêm bội phần khi đứng trước câu hỏi: Nuôi tôm vụ đông hậu covid, có nên chăng?

Hình thức nuôi mới nhưng không mới

Chắc hẳn những người trong nghề đã quá quen khi nghe đến cụm từ Nuôi tôm vụ đông, nhưng ít ai biết đến nguồn gốc xuất xứ của hình thức nuôi này. Nuôi tôm vụ đông được phát triển tại đảo Hải Nam, Trung Quốc vào năm 2005, đến năm 2011 thì hình thức này mới được du nhập vào Việt Nam, phát triển chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc. 

Thực tế đã cho thấy rằng, lợi nhuận và rủi ro luôn tỉ lệ thuận với nhau, nghĩa là nếu muốn có lợi nhuận lớn thì người ta thường phải chấp nhận độ rủi ro cao và ngược lại. Việc nuôi tôm vụ đông cũng không tránh khỏi quy luật trên. Thành thật mà nói, hình thức này đứng trước rất nhiều những thách thức, điển hình phải kể đến như: biến đổi phức tạp của thời tiết, biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn (từ 10-12 độ), dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh, tôm chậm lớn làm cho thời gian nuôi kéo dài hơn; kỹ thuật nuôi cần tay nghề cao.... 

Thêm vào đó, Việt Nam chỉ đang dần tiến về trạng thái “bình thường mới” sau thời gian dài mọi thứ gần như khựng lại vì dịch covid-19. Thực trạng đau lòng mà ta phải thẳng thắn đối mặt đó là chi phí ban đầu vốn đã cao nay lại cao hơn do khó khăn về đi lại, từ khâu chuẩn bị ao bạt, con giống, thuốc, đến nhân công,… khó khăn chồng chất khó khăn.

Chấp nhận rủi ro để đánh đổi

Đứng trước ngần ấy khó khăn là thế nhưng khi nhìn vào hiệu quả kinh tế mà hình thức này mang lại thì quả thật phải khiến người ta trầm trồ khi so sánh lợi nhuận giữa vụ chính và vụ đông là hết sức khả quan. Lợi nhuận của nuôi tôm vụ đông thường gấp 1,5-2 lần so với vụ chính tùy tay nghề người nuôi. Lý giải cho con số hấp dẫn này chính là tôm vụ đông dễ bán hơn do nhu cầu tiêu thụ các dịp lễ tết cuối năm, giá bán cũng cao hơn (từ 70.000-150.000đ/kg) so với vụ chính.

Chính vì lẽ đó mà nhiều hộ nông dân nuôi tôm thâm niên trông chờ vào vụ đông, thậm chí mạnh dạn đầu tư, ấp ủ chiến thắng giòn giã dịp cuối năm.

Những con số biết nói: Ảm đạm và lạc quan

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, tôm chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng chiếm đa số (81%) với 1,7 tỷ USD, tăng 23%.

 

Tuy nhiên, từ cuối tháng 7, việc áp dụng chỉ thị giãn cách xã hội làm cho mọi thứ gần như đứng chững lại. Chỉ có khoảng 30-40% các doanh nghiệp thủy sản phía Nam đảm bảo điều kiện 3 tại chỗ, lực lượng lao động tham gia sản xuất giảm còn dưới một nửa, kéo theo năng suất giảm rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khách hàng do thực hiện giãn cách xã hội quá lâu, thiếu nguyên liệu sản xuất, chuỗi cung ứng đứt gãy, khó khăn trong vận chuyển làm chi phí đầu vào và vận chuyển tăng. Hậu quả là xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm 36% và tiếp tục giảm trong tháng 9 ít nhất 20%. 

Tín hiệu đáng mừng là tình hình dịch covid-19 đang dần được kiểm soát, các công nhân chế biến thủy sản hầu hết đều được tiêm vắc- xin, công ty sản xuất nhìn chung không phải thực hiện sản xuất 3 tại chỗ. Dự báo từ các chuyên gia và chủ các doanh nghiệp rằng nhu cầu xuất khẩu tôm vào cuối năm 2021 là rất lớn, nguồn cầu tôm nguyên liệu đang có xu hướng tăng. 

Đây đang là thời điểm bước vào vụ đông. Ông Kim Văn Tiêu- phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã từng nhận định rằng: “Diện tích nuôi tôm vụ đông từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế tiềm năng còn rất lớn. Để khai thác hiệu quả cần khuyến khích địa phương tăng sử dụng diện tích, tăng vụ, tăng thu nhập cho bà con”.

Sau thời gian dài đối mặt với giãn cách xã hội cùng nhiều việc bất cập phát sinh, đặc biệt là giá tôm đi xuống đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người nông dân, việc giựt dậy tinh thần trong sản xuất và sáng suốt đưa ra các quyết định trong nuôi trồng thủy sản ở thời điểm hiện tại là rất quan trọng. Dựa vào những khởi sắc từ giữa tháng 9 đến nay thì chúng ta có quyền hi vọng vào vụ mùa sắp tới. 

Thiết nghĩ vì những lý do trên mà người dân nên tái đầu tư nuôi tôm vụ đông với mật độ thưa hoặc giảm diện tích nuôi để phù hợp với tình hình hiện tại. Đây là giải pháp an toàn nhằm giảm gánh nặng tài chính, thích hợp với nguồn vốn có nhiều biến đổi sau dịch covid kéo dài, đồng thời, tăng thu nhập cho người dân và vẫn đảm bảo nguồn cung ổn định cho các nhà máy chế biến. 

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website