Quảng Trị đứng trước nguy cơ thiếu giống thủy sản

Quảng Trị đứng trước nguy cơ thiếu giống thủy sản

Chia sẻ nội dung:

Những đợt mưa lũ liên tiếp trong tháng 10/2020 vừa qua không chỉ cuốn trôi nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản các loại đang đến kỳ thu hoạch của người dân mà còn làm hầu hết các trại sản xuất, ương nuôi cá giống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề. Hàng triệu con cá giống và nhiều tấn cá bố mẹ, cá hậu bị đã bị nước lũ cuốn trôi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh người dân đang tiến hành tu sửa, cải tạo ao hồ để chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là con giống thủy sản, đặc biệt là giống cá nước ngọt đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Vừa dẫn chúng tôi đi xem các ao ương nuôi cá giống rộng gần 1 ha của mình, anh Trần Kim Quang, chủ cơ sở ương nuôi cá giống khá lớn tại thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng cho biết, các đợt mưa lũ vừa qua đã làm hệ thống đê bao của trại bị sạt lở nhiều chỗ; hơn 2 tấn cá giống các loại gồm cá trắm, mè, rô phi, trê, cá chim trắng… đã bị nước lũ cuốn trôi. Thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng. Theo anh Quang, mặc dù đã chủ động phòng, chống từ trước nhưng do nước lũ lên nhanh, chảy xiết nên anh vẫn không kịp trở tay. Để có thể ương lại đàn cá giống, những ngày này, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng anh vẫn huy động toàn bộ nhân lực tập trung tu sửa lại các điểm đê bao bị sạt lở, tháo cạn nước trong ao, cải tạo lại các ao ương kỹ càng trước khi nhập cá giống về ương nuôi. “Trước mắt, cơ sở đang nhập một số lượng ít cá giống từ các tỉnh miền Nam ra ương nuôi trong ao từ 10 - 15 ngày để cá quen với điều kiện môi trường ở địa phương trước khi cung cấp cho các hộ có nhu cầu. Còn đối với đàn cá giống của trại tự ương nuôi lên thì nhanh nhất phải sau tháng 1/2021 mới có để cung cấp cho người dân”, anh Quang cho hay.

Cũng tại thôn Long Hưng, xã Hải Phú, trao đổi với chúng tôi khi đang thu dọn những gì còn sót lại trong trại sản xuất cá giống của mình, anh Văn Đức Hoàng cho biết, mưa lũ đã làm cơ sở của anh bị ngập nặng, cuốn trôi gần 7 vạn con cá giống các loại đang ương nuôi trong ao và gần 1 tấn cá thịt. Ước thiệt hại trên 100 triệu đồng. Theo anh Hoàng, thông thường từ cuối tháng 10 âm lịch hằng năm trở đi, người dân bắt đầu thả nuôi các loại cá nước ngọt, nhưng với thiệt hại nặng nề của các trại sản xuất giống cá trên địa bàn tỉnh, dự báo nguồn cung giống cá nước ngọt sẽ thiếu hụt trầm trọng trong vụ nuôi mới sắp đến. “Phải sau Tết Nguyên đán, cơ sở của tôi mới khôi phục được năng lực sản xuất như ban đầu. Đây cũng là thực trạng chung của các cơ sở sản xuất giống tư nhân trong tỉnh”, anh Hoàng nói.

Còn tại Trung tâm Giống thủy sản tỉnh, nơi cung ứng các loại giống thủy sản, đặc biệt là giống cá nước ngọt lớn nhất tỉnh, ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh thông tin, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ và bão số 9 trong tháng 10/2020 vừa qua, đã làm các Trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt Trúc Kinh, Trại sản xuất giống thủy sản nước mặn, lợ Cửa Tùng và Trại nuôi thực nghiệm giống thủy sản Hiền Lương bị sạt lở, thiệt hại nặng nề. Nhiều trang thiết bị phục vụ cho sản xuất giống và nuôi thực nghiệm bị hư hỏng. Đặc biệt, tại Trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt Trúc Kinh, nước ngập cao hơn bờ ao từ 0,5 - 0,7 m đã cuốn trôi toàn bộ đàn cá bố mẹ, cá hậu bị gồm các loại cá trắm, mè, chép, trắm đen, trê phi, cá Trường Giang, cá chép Séc, cá rô phi Đài Loan, cá chạch bùn, cá rô đầu vuông, cá leo với trọng lượng gần 2.000 kg. Hơn 77 vạn con cá giống rô phi đơn tính dòng Gift, cá rô đầu vuông, cá rô phi Đài Loan, cá leo cũng trôi theo dòng nước lũ, ước thiệt hại trên 350 triệu đồng. Theo ông Vinh, việc khắc phục hậu quả sẽ rất khó khăn vì để gây dựng lại đàn cá bố mẹ phải mất khoảng 1 - 2 năm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung cá giống trên địa bàn tỉnh không chỉ trong vụ nuôi tới mà còn kéo dài sang một số vụ sau bởi đây là một trong những địa chỉ sản xuất cá giống tin cậy của người dân. “Với nguồn giống bị thiệt hại tại đơn vị, dự báo các loại giống cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh sẽ thiếu hụt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc khôi phục nuôi trồng thủy sản sau mưa lũ”, ông Vinh khẳng định.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Đào Văn Trẫm cho biết, với hơn 450 ha diện tích nuôi cá nước ngọt toàn huyện thì nhu cầu cá giống các loại trong vụ nuôi tới là khoảng 70 vạn con. Trong khi nguồn cá giống tại chỗ hầu như không có. Theo ông Trẫm, để đáp ứng nhu cầu này, không còn cách nào khác người dân và các trại sản xuất cá giống trên địa bàn huyện buộc phải mua cá giống từ nơi khác về. Việc này dẫn đến chất lượng con giống và kiểm soát dịch bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, ngay sau khi nước rút, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, nắm bắt nhu cầu số lượng giống cá của người dân để đề xuất cấp trên hỗ trợ. Yêu cầu các trại sản xuất, ương nuôi cá giống trên địa bàn huyện phải lựa chọn những cơ sở có uy tín để nhập cá giống về; tổ chức ương nuôi từ 10 - 15 ngày trước khi xuất bán để cá giống thích nghi với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ nuôi cách nhận biết con giống chất lượng, cách vận chuyển đúng kỹ thuật, các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng để cá giống đạt tỉ lệ sống cao nhất. “Hiện nay, tại một số địa phương người dân đang tiến hành cải tạo ao nuôi để chuẩn bị thả giống. Nếu thiếu nguồn giống có thể dẫn đến nguy cơ chậm thời vụ, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá, dẫn đến có thể không thể thu hoạch trước mùa mưa lũ năm sau”, ông Trẫm cho hay.

Theo Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Nguyễn Hữu Vinh, với diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh hơn 3.450 ha, trong đó diện tích nuôi cá nước ngọt hơn 2.180 ha, dự báo trong vụ nuôi tới sẽ xảy ra tình trạng thiếu một lượng lớn giống thủy sản, đặc biệt là giống các loại cá nước ngọt. Do đó, cùng với các phương án hỗ trợ phục hồi sản xuất của tỉnh và ngành Nông nghiệp, Trung tâm Giống thủy sản đã xây dựng phương án liên kết với các cơ sở sản xuất giống thủy sản có uy tín, chất lượng ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam để ương nuôi và cung cấp cho người dân có nhu cầu. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ kinh phí sửa chữa những hư hỏng, sạt lở, trang thiết bị sản xuất; khôi phục lại đàn cá bố mẹ, cá hậu bị để trung tâm tiếp tục sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu giống thủy sản của người dân trong những vụ nuôi tới. Tuy nhiên, ông Vinh cũng lưu ý, người dân không nên quá vội vàng mà cần phải triển khai các biện pháp cải tạo, xử lý môi trường ao nuôi, khu vực nuôi thủy sản một cách kỹ lưỡng; lựa chọn con giống an toàn, chất lượng; thả giống đảm bảo khung lịch thời vụ… để đạt hiệu quả cao nhất.

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website  
>