Sản xuất và chế biến theo tín hiệu thị trường

Sản xuất và chế biến theo tín hiệu thị trường

Chia sẻ nội dung:

- Đây là một trong những nhiệm vụ trong tâm của ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng để hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này lại không dễ.


Các chuỗi liên kết giúp cân đối nguồn nguyên liệu 

Tất yếu chuỗi giá trị

Việc hình thành các chuỗi liên kết giúp cân đối nguồn nguyên liệu giữa người nuôi và nhà máy chế biến, đồng thời còn giúp cân đối luôn về cung cầu của các công đoạn ở giữa như: con giống - thức ăn - thuốc, hóa chất thủy sản để có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao uy tín thương hiệu. Đây là xu thế tất yếu trong thời gian tới đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, trong kế hoạch tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất, liên kết là một trong những giải pháp đã được đề ra, trong thời gian vừa qua, rất nhiều chuỗi đã được hình thành. Chẳng hạn, chuỗi tôm có thể thấy rõ nhất ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; các chuỗi này đã thể hiện sự liên kết từ vật tư đầu vào đến nhà máy chế biến và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Hay đối với sản xuất cá tra thì liên kết từ vùng sản xuất giống, đến vùng nuôi và đến nhà máy chế biến đã từng bước phát huy hiệu quả, đặc biệt vừa qua chúng ta đã triển khai đề án cá tra 3 cấp ở vùng ĐBSCL.

Trong chuỗi hình thành hai mối liên kết đó là liên kết ngang và liên kết dọc; liên kết ngang là giữa các hộ sản xuất nhỏ lẻ với nhau, còn liên kết dọc là có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác nhau; mục tiêu đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đến đúng với các địa chỉ chế biến và xuất khẩu.

Theo ghi nhận, số lượng chuỗi trong lĩnh vực thủy sản ngày một phát triển; không chỉ với lĩnh vực nuôi trồng mà ở cả khai thác và chế biến xuất khẩu. Điển hình, đối với khai thác thủy sản, hình thành rất nhiều tổ đội sản xuất trên biển và hệ thống các tàu dịch vụ hậu cần khá đông đảo; góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm và đặc biệt là không vi phạm khai thác bất hợp pháp, truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Ngoài ra, Đề án thí điểm tổ chức khai thác thu mua chế biến cá ngừ cũng đã mang lại hiệu quả cao, có hàng trăm chuyến biển được giao dịch thành công. Tại Khánh Hòa, chuỗi liên kết khai thác, thu mua chế biến tiêu thụ cá ngừ giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng và THT Nghề cá Phước Đồng đã có hơn 100 tàu cá tham gia, giao dịch 542 chuyến biển với tổng sản lượng 758 tấn, bình quân 1,5 tấn/chuyến; chất lượng sản phẩm tốt, hơn 95% cá ngừ đại dương đạt tiêu chuẩn, trong đó 30% cá đạt loại A… 

Giải quyết bất cập

Số liệu của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 700 chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, các chuỗi liên kết này đã và đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, không ít các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, hiện 50% trong số các chuỗi liên kết trên đã và đang hoạt động không hiệu quả.

TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, hiện nay, chuỗi giá trị nông sản từ đầu vào đến sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu… đều tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể, tại khâu đầu vào, chi phí còn cao hơn so giá cả biến động, vẫn còn tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh và chưa đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP. Trong khi, ở khâu sản xuất, hầu hết vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết. Đặc biệt, việc kết hợp chuỗi sản xuất từ người nông dân đến các siêu thị, hệ thống phân phối đã đặt ra, tuy nhiên nhiều hộ nông dân vẫn còn tư duy theo kiểu “tiền tươi, thóc thật” dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng ký kết khá phổ biến.

Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, tuy tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều chuỗi liên kết nhưng không bền vững. Vì vậy, để chuỗi này ngày càng phát triển, nhân rộng, cơ quan chức năng cần quan tâm giải quyết các đề xuất của ngư dân và doanh nghiệp về những khó khăn, tồn tại trong chuỗi liên kết.

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đã chủ động được khu sản xuất, vật tư đầu vào. Ví dụ, có những doanh nghiệp vừa nuôi, vừa sản xuất giống, vừa có nhà máy chế biến, tuy nhiên, tỷ lệ đấy vẫn thấp. Vì thế, để đồng đều chất lượng sản phẩm, đảm bảo đủ số lượng phục vụ chế biến xuất khẩu thì việc liên kết giữa các khu vực sản xuất là điều cần thiết nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết, đầu tư vào nông nghiệp ít hấp dẫn hơn các ngành hàng khác, nhưng nếu đầu tư một cách bài bản thì nông nghiệp có thể mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Điều quan trọng là tạo niềm tin cho doanh nghiệp với môi trường kinh doanh thông thoáng cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, nguồn vốn trong cơ cấu lại nông nghiệp để doanh nghiệp tiếp tục hưởng ứng theo chỉ đạo của Chính phủ tham gia vào quá trình tăng trưởng nông sản về mặt xuất khẩu.

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website