Bình Định: Chú trọng phát triển kinh tế biển

Bình Định: Chú trọng phát triển kinh tế biển

Chia sẻ nội dung:

Xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, có cửa biển Đề Gi, đầm Đạm Thủy thuận lợi cho việc phát triển khai thác và NTTS. Trong những năm gần đây, Cát Khánh đã tập trung phát huy thế mạnh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, góp phần giúp kinh tế biển địa phương tăng hàng năm.

Trong những năm qua, Cát Khánh chú trọng phát triển kinh tế biển, ngư dân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư luới cụ và trang bị các phương tiện hiện đại như máy tầm ngư, máy định vị, hệ thống thông tin liên lạc, phục vụ cho nhu cầu đánh bắt dài ngày trên biển.

Nhờ có chính sách của Nhà nước khuyến khích ngư dân phát triển kinh tế biển như: hỗ trợ tiền xăng dầu, vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 (đã đóng mới 10/13 tàu bằng vỏ thép đã được UBND tỉnh phê duyệt); ngư dân trong xã còn sửa chữa, cải hoán tàu thuyền, nâng tổng số tàu thuyền lên 358 tàu cá, tổng công suất 67.500 CV, tăng gấp 1,5 lần so với 5 năm trước, nhiều nhất huyện Phù Cát. Trong đó có 187 tàu công suất từ 90 CV trở lên, chuyên đánh bắt xa bờ. Cảng cá Đề Gi luôn nhộn nhịp tàu thuyền ra vào với khoảng 40 - 70 lượt tàu/ngày. Nhờ nâng cao năng lực đánh bắt nên sản lượng khai thác năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2019, sản lượng khai thác toàn xã hơn 22.250 tấn, đạt 139,1% kế hoạch, tăng hơn 2.230 tấn so năm 2018. Nhiều hộ ngư dân “ăn nên làm ra” với mức thu nhập trên 700 - 900 triệu đồng/năm. Đầu tư phát triển nghề biển đã đem lại nguồn thu nhập chính, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân và diện mạo làng biển.


Khai thác thủy sản tại Bình Định ngày một phát triển - Ảnh: ST

Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: “Trong những năm gần đây, xã đã vận động ngư dân tăng cường phương tiện và thiết bị hiện đại đủ điều kiện vươn ra khơi xa để nâng cao năng lực khai thác. Xã đã có nhiều biện pháp giúp đỡ ngư dân, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ hỗ trợ vay vốn cho tàu đánh bắt xa bờ; đồng thời thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, tránh vi phạm lãnh hải nước ngoài”.

Bên cạnh hoạt động đánh bắt xa bờ, nghề khai thác tôm hùm giống cũng đem lại thu nhập cao cho ngư dân Cát Khánh. Riêng đối với cá chua bột, với sản lượng khoảng 1,5 triệu con mỗi vụ, người dân Cát Khánh không chỉ khai thác mà đã đưa vào ương nuôi cá chua giống, bà con nông dân ở thôn Ngãi An đã thu được hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

Kinh tế biển phát triển đã kéo theo các dịch vụ hậu cần nghề cá được mở rộng. Hiện toàn xã có gần 350 cơ sở thu mua, buôn bán hải sản, làm nước mắm, đan vá lưới, sản xuất nước đá, kinh doanh vật tư, xăng dầu phục vụ đi biển, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; qua đó tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Có thể nói tiềm năng kinh tế biển ở Cát Khánh bước đầu đã được đánh thức, song hiệu quả chưa tương xứng, bởi số tàu thuyền công suất nhỏ còn nhiều, hạn chế trong việc vươn khơi xa; trong nuôi trồng còn manh mún, tự phát, rủi ro cao.

Theo đó, để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, ông Đinh Thành Tiến cho biết: “Địa phương sẽ tiếp tục vận động ngư dân đầu tư nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt, sản lượng hơn 23.000 tấn hải sản các loại. Vận động nhân dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Thành lập thêm các tổ đoàn kết khai thác, đánh bắt trên biển để giúp nhau trong quá trình hoạt động, đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả kinh tế và phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá để giải quyết công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi”.

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website