Niềm tin “Con cá hóa Rồng” sau thời Covid 19

Niềm tin “Con cá hóa Rồng” sau thời Covid 19

Chia sẻ nội dung:

“Niềm tin là cần thiết cho con người. Thật thống khổ cho ai không tin tưởng”, hơn hết lời của Victor Hugo lại thật đúng với thực tiễn của ngành thủy sản hậu đại dịch Covid 19. Những điều đáng suy ngẫm.

Đã đến lúc, các thành phần tham gia vào ngành thủy sản phải có niềm tin vào sự tăng trưởng mạnh và chuẩn bị sẵn sàng cho sự tăng trưởng đó. Nói như vậy, không có nghĩa là không đánh giá các rủi ro, thách thức phải đối diện; cũng như chắc chắn phải quan tâm đến tốc độ tăng trưởng “thận trọng” của thị trường, gia tăng nợ xấu, chuỗi cung ứng gián đoạn và nhiều hệ lụy khác tác động không nhỏ đến các thành phần tham gia chuổi sản xuất ngành thủy sản. Nhưng không thể cứ bi quan, lo lắng mãi được! Không thể cứ nhìn sự sụt giảm của ngành trong thời kỳ Covid 19 rồi trăn trở mãi được! Lúc này phải có niềm tin và sự chuẩn bị.

Việt Nam đang khẳng định tầm vóc và vị thế của một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng, đoàn kết, hữu nghị và “an toàn”, bằng những thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid 19, đại dịch đang làm rúng động toàn cầu. Thành quả ấy, đã tạo niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư muốn tìm đến Việt Nam nói chung và ngành thủy Sản nước nhà nói riêng.

Nhận định mới đây từ VASEP nêu rõ quan điểm rằng: Các quốc gia chính cạnh tranh với thủy sản Việt Nam, như Ấn Độ và Ecuador, hiện vẫn phải phong tỏa và kiểm dịch để ngăn chặn dịch bệnh Covid 19, giảm 50% sản lượng và xuất khẩu; Indonesia, Philippines và Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể so với Việt Nam trong việc khôi phục sản xuất để duy trì nguồn cung cho thế giới. Đây là cơ hội tuyệt vời để ngành thủy sản Việt Nam tăng sản lượng, giành thị phần trên thị trường thế giới.

Dịch bệnh lần này, có khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc), tính đến hiện tại đã lây lan trên 84 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng số ca ghi nhận hơn 4.500.000 người. Nền kinh tế toàn cầu đang dần mất niềm tin với “Công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới” - Trung Quốc. Sự an toàn và tươi đẹp của Việt Nam sẽ là lựa chọn hàng đầu cho xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài ngành, kèm theo di chứng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Trong những diễn biến đầy tươi sáng và tin tưởng của cuộc chiến chống dịch Covid, VASEP dự đoán rằng các nhu cầu nguyên liệu thủy sản từ chế biến sơ bộ của Việt Nam sẽ có xu hướng tăng. Sản phẩm thủy sản tiện lợi và giá trị gia tăng được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Các ngành công nghiệp hỗ trợ nuôi trồng thủy sản (sản xuất thuốc, hóa chất, vật liệu đóng gói, thiết bị, thiết bị nuôi trồng thủy sản, chế biến, v.v.) có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thủy sản tích cực hơn trong sản xuất.

Mới đây, kết quả Khảo sát niềm tin người tiêu dùng toàn cầu do The Conference Board phối hợp với Nielsen thực hiện càng làm gia tăng thêm niềm tin vào một thị trường khởi sắc sau đại dịch. Khảo sát chỉ ra rằng: Việt Nam tiếp tục xếp tục xếp hàng thứ 4 thế giới vì có người tiêu dùng tích cực nhất trong thời kỳ dịch bệnh Corona, với chỉ số niềm tin là 162. Qua đó, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào thị trường hậu Covid 19, một thị trường tăng trưởng và phục hồi mạnh mẽ cho nghề cá Việt Nam, nhất là hướng đi cho ngành cá nội địa.

Tại Hội nghị trực tuyến về Thúc đẩy Sản xuất Nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Ngành nông nghiệp phải đảm nhận nhiệm vụ đặc thù, thúc đẩy sản xuất để giữ đà tăng trưởng, giảm thiểu những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế, đồng thời đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân... Chúng ta phải xác định vai trò của người đứng đầu, sáng tạo, thực hiện “4 tại chỗ” nhằm biến “nguy” thành “cơ” để dành thắng lợi các mục tiêu của ngành".

Suốt chiều dài phát triển của ngành thủy sản nước nhà, các thành phần tham gia vào chuỗi sản xuất nghề cá đã cùng nhau nắm chặt tay đi qua không biết bao lần khủng hoảng, có những lần ngã đau và chập chững đứng dậy như đi lại từ đầu.Nhưng không bao giờ chúng ta bỏ cuộc. Không bao giờ chúng ta nản lòng, bởi chúng ta luôn có niễm tin và đặt mình vào tâm thế sẵn sàng.

Hơn khi nào hết, ngành cá hôm nay đang chập chững bước đi bằng những nỗ lực duy trì và cố gắng không ngừng nghỉ của nhà nước, doanh nghiệp, người nuôi, lực lượng công nhân lao động... Từ thực tiễn của góc nhìn đầy tươi sáng phía trước, chúng ta thật sự đủ tin tưởng vào một sự phát triển và thịnh vượng hơn cho nghề cá, một niềm tin khát khao để “con cá hóa rồng”, hãy sẵn sàng tâm thế đón nhận và chuẩn bị tốt nhất cho sự phát triển này!


Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website