Trợ lực cho ngành hàng cá tra

Trợ lực cho ngành hàng cá tra

Chia sẻ nội dung:

Ngành cá tra đang khó khăn từ trong nước lẫn xuất khẩu, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất, thế nhưng, nếu sắp tới thị trường không được vực dậy họ sẽ đuối sức.

Chú trọng thị trường nội địa

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, người nuôi cá tra đang lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra đình trệ không xuất khẩu nên sản phẩm làm ra chủ yếu để vào kho dự trữ, tồn đọng lớn và đang chịu gánh nặng lớn về nợ vay ngân hàng, chi phí điện lưu kho, lương và chế độ bảo hiểm cho công nhân.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp Huỳnh Tấn Đạt, từ nông dân đến doanh nghiệp đều lỗ nặng. Đồng Tháp có 20 doanh nghiệp chế biến với tổng công suất thiết kế 477.000 tấn thành phẩm/năm. Kế hoạch năm 2020 diện tích nuôi cá tăng lên 2.700 ha, ước sản lượng thu hoạch 560.000 tấn, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng dịch bệnh, tất cả lỗ nặng.

Theo VASEP, cần khảo sát đánh giá lại thị trường xuất khẩu hiện nay. Thời gian qua, thị trường Trung Quốc chiếm 30 - 33% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam, những ngày tới sẽ phục hồi ra sao. Đối với thị trường Mỹ, châu Âu… dịch COVID-19 còn phức tạp, do đó cần có chiến lược đưa sản phẩm vào các thị trường này với sản lượng phù hợp. Ngoài ra, cần đa dạng thị trường tiêu thụ để giảm rủi ro.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong tháng 5 và 6/2020, có thể tập trung xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc; từ tháng 6 và 7 trở đi có thể tiếp cận, khôi phục lại thị trường châu Âu. Cụ thể, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương và các tỉnh biên giới tháo gỡ ngay thị trường Trung Quốc khi thị trường này đã khống chế được dịch bệnh, bắt đầu mở cửa trở lại. Đồng thời, từng bước tháo gỡ thị trường châu Âu, Mỹ. Dự báo thời gian tới thị trường Trung Quốc, châu Âu, Mỹ vẫn rất quan trọng của cá tra Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng giá trị.

“Một thị trường tiềm năng bền vững lâu dài không thể bỏ qua là nội địa với gần 100 triệu dân. Trong tháng 6, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan mời những tập đoàn bán lẻ lớn ở Việt Nam ngồi lại, cùng nhau bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa; phấn đấu tiêu thụ được 10 - 20% sản lượng cá tra thì sẽ giảm áp lực cho xuất khẩu”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

 

Tái thiết chờ cơ hội

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú (An Giang) của Tập đoàn Nam Việt, rộng 600 ha, trong đó 450 ha nuôi cá thương phẩm và 150 ha sản xuất cá giống với chu kỳ khép kín, vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, một năm có thể sản xuất 600 triệu con cá giống và gần 200.000 tấn cá tra thương phẩm.

Đánh giá của các chuyên gia, đây là tổ hợp sản xuất cá tra ứng dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay; kết hợp công nghệ thời kỳ 4.0, từ tổ chức sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm hoàn toàn tự động điều tiết nước, môi trường, thức ăn.

Ông Lê Doãn Tới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt chia sẻ: “Khách hàng năm châu đã đến đây và đều bày tỏ sự ngưỡng mộ. Bây giờ, Việt Nam nuôi cá không cần quá nhiều người, như khu này nuôi gần 200.000 tấn cá một năm mà chỉ cần 30 người. Khép kín hoàn toàn, phân cá được thu hồi làm phân bón hữu cơ, mặt nước làm điện mặt trời, tận dụng hết, không bỏ phí tiềm năng gì trên diện tích”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận xét: “Thông qua mô hình này chúng ta có thể khẳng định Việt Nam đang kiện toàn tái cơ cấu từng nhóm ngành hàng theo hướng hiện đại. Qua tổ hợp này, chúng ta thấy rõ ngành hàng cá tra đang mạnh mẽ tái cơ cấu để phát triển hiện đại, khẳng định vai trò số 1 trên thị trường quốc tế về sản lượng cũng như thực phẩm sạch, dù trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19”.


Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website  
>