Nghề nuôi cá lồng ở Quy Hướng

Nghề nuôi cá lồng ở Quy Hướng

Chia sẻ nội dung:

Quy Hướng là 1 trong 2 xã của huyện Mộc Châu nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình với hàng trăm ha mặt nước. Những năm gần đây, xã Quy Hướng đã tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.

Người dân xã Quy Hướng phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. 

Trở lại xã Quy Hướng lần này, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là toàn bộ hệ thống lồng nuôi cá được làm bằng khung sắt, không còn các lồng nuôi cá làm bằng tre, gỗ như 2 năm trước đây. Thuyền lướt trên lòng hồ, anh Lò Đức Minh, Giám đốc HTX Thủy sản Quy Hướng đưa chúng tôi đi thăm các gia đình thành viên của HTX nuôi cá lồng, vừa đi anh Minh vừa phấn khởi, nói: Được thành lập vào năm 2016, HTX có 14 thành viên với hơn 60 lồng cá. Thời gian đầu, do mới tiếp cận nghề nuôi cá lồng nên chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi, cá phát triển chậm, hiệu quả kinh tế không cao. Với quyết tâm giúp bà con thoát nghèo từ nghề nuôi cá lồng, với sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn của huyện và xã, HTX đã lựa chọn nguồn cung cấp cá giống chất lượng, nắm bắt được kỹ thuật nuôi nên cá phát triển tốt, ít bị bệnh, chất lượng thịt thơm ngon. Đến nay, HTX đã có trên 30 thành viên với tổng số 164 lồng cá, hàng năm xuất ra thị trường gần 100 tấn cá thương phẩm với giá bán bình quân từ 40 - 50 nghìn đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi cá.

Sau khoảng 30 phút đi thuyền trên lòng hồ, chúng tôi đến gia đình anh Bàn Văn Cứ ở bản Nà Quền, xã Quy Hướng đúng lúc gia đình đang chuẩn bị thức ăn cho cá, bên những thùng thức ăn cho cá được say từ ngô, sắn và các loại cá vụn đánh bắt từ lòng hồ, anh Cứ cho biết: Gia đình tôi tham gia HTX Thủy sản Quy Hướng từ những ngày đầu mới thành lập, được sự hỗ trợ của Nhà nước gia đình tôi đầu tư làm 30 lồng cá bằng khung sắt kiên cố, mỗi lồng có kích thước 5x6 m với thể tích 90 m3. Điều kiện nguồn nước sạch và thức ăn sẵn có, gia đình tôi lựa chọn nuôi các loại cá, như: Dầm xanh, trắm đen. Tham gia HTX, gia đình tôi được hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các hộ gia đình thành viên khác nên hầu như cá nuôi không bị bệnh, lớn nhanh và chất lượng thịt thơm ngon. Năm 2017, gia đình tôi xuất ra thị trường trên 10 tấn cá thương phẩm, lợi nhuận thu được trên 200 triệu đồng.

Ngoài việc có diện tích mặt nước lớn, môi trường nước sạch, một lợi thế nữa trong việc phát triển nuôi cá lồng tại xã Quy Hướng chính là nguồn thức ăn cho cá được tận dụng từ các loại cá tạp đánh bắt ở lòng hồ và một số sản phẩm nông nghiệp địa phương, vì vậy các hộ nuôi cá tiết kiệm được tiền mua thức ăn cho cá, giảm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận. Hơn thế, việc không sử dụng thức ăn công nghiệp cũng giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ở cá, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm sạch, chất lượng. Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, các hộ gia đình nuôi cá lồng ở Quy Hướng ngày càng phát triển, mở rộng diện tích nuôi cá lồng. Song, về lâu dài thì người nuôi cá lồng cần tìm hiểu thêm các kỹ thuật nuôi cá, đa dạng hóa sản phẩm bằng cách nuôi thêm các loài cá có giá trị kinh tế cao để tăng khả năng mở rộng thị trường; tăng cường mối liên kết giữa người nuôi với người chế biến - tiêu thụ thông qua các hợp đồng kinh tế; xây dựng mới và không ngừng nâng cấp hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Các HTX nuôi thủy sản cần đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường cho một số sản phẩm cá có giá trị kinh tế cao, như: Cá dầm xanh, trắm đen, lăng... để nâng cao giá trị của sản phẩm cá, có như vậy thì việc nuôi cá lồng mới thực sự đem lại hiệu quả lâu dài.

Đề cập về những định hướng của xã để đưa nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, đồng chí Hoàng Văn Xuyến, Chủ tịch UBND xã Quy Hướng, nói: Hiện, xã Quy Hướng có gần 200 lồng nuôi cá, tập trung ở các bản: Nà Quền, Đồng Giăng, Bến Trai. Thời gian tới, xã sẽ quy hoạch phát triển thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình để khai thác tiềm năng mặt nước; khuyến cáo người dân dùng thức ăn tự nhiên để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác chuyển giao cho người dân các quy trình nuôi, quy trình sản xuất giống cá có giá trị kinh tế cao trong phát triển nuôi cá lồng nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung. Phấn đấu đưa nghề nuôi cá lồng trở thành nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã.

Nuôi cá lồng ở xã Quy Hướng đang cơ bản giải quyết bài toán khó về việc làm, tăng thu nhập cho người dân không còn đất sản xuất vùng lòng hồ thủy điện. Mong rằng thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh, huyện có cơ chế, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng vững chắc, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống người dân.


Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website