Tu hài là đối tượng khá dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả cao thì cần phải chuẩn bị tốt các khâu, ngay từ lúc ương giống đến khi thu hoạch.
Lựa chọn địa điểm ương
Nếu ương giống tu hài từ cấp 1 lên giống tu hài cấp 2 phải có các điều kiện sau: Độ sâu của nước > 5 m; độ mặn thường xuyên ổn định > 28‰, độ trong của nước trên 2,5 m. Nguồn nước trong sạch, không bị ảnh hưởng bởi nước ngọt, nước sinh hoạt.
Chuẩn bị lồng (rổ) ương
Dùng khay nhựa làm lồng ương. Lồng ương hình chữ nhật, có các khe thông ở xung quanh thành và đáy. Thông thường có những loại lồng ương với kích thước (dài x rộng x cao): 35 x 22 x 15 hoặc 35 x 26 x 9.
Lưới lót đáy lồng, dùng lưới cước có mắt lưới 2a-1mm; lưới bao quanh lồng lưới 2a-2mm; lưới nắp lồng mắt lưới 2a-20mm, nếu lồng có sẵn nắp nhựa thì không cần lưới. Trong lồng, bỏ cát thô có pha lẫn các mảnh vụn của vỏ nhuyễn thể và san hô. Không dùng cát mịn, cát bùn vì sẽ làm cát bị nén, con giống khó hoạt động.
Nuôi tu hài bằng rổ ở Quảng Ninh
Kỹ thuật vận chuyển, thả giống tu hài
Giống tu hài cấp 1 có chiều dài vỏ 4 - 5 mm, vỏ mỏng dễ bị vỡ khi va chạm. Vì vậy cần lưu ý khi vận chuyển giống từ bể ra bè ương. Khi vận chuyển cần lưu ý những vấn đề sau: Cho cát vào thùng xốp (dày khoảng 3 - 5cm) sau đó đổ nước biển sạch vào thùng, cao 20 cm so với mặt cát. Đếm giống và thả vào thùng với mật độ 50.000 con/thùng. Che ánh nắng, giữ mát và vận chuyển ra bè ương.
Lấy giống ra khỏi thùng: sau khi chuyển giống đến nơi ương, dùng ống xiphông hút giống ra. Đầu ra của xiphông cho chảy vào vợt đặt trong xô nước, làm như vậy con giống không bị dập vỡ.
Thả giống tu hài vào lồng ương: Thả lồng xuống nước, buộc dây treo để nước không ngập mặt lồng. Đổ giống tu hài vào lồng, rải giống phân bố đều trên mặt cát. Mật độ thả giống tu hài 300 con/lồng. Sau khi thả giống, đậy nắp lồng và từ từ thả lồng xuống độ sâu 2 - 2,5m.
Chăm sóc và thu hoạch giống tu hài
Mỗi tuần kéo lồng lên 1 lần, dùng bàn chải vệ sinh bên ngoài lồng. Không để rác, con sun, hà bám vào lồng và dây treo. Giặt sạch lớp lưới phủ mặt lồng để nước lưu thông tốt, thoáng.
Trong trường hợp trời mưa, cần thả lồng ương xuống độ sâu tối đa để tránh những tác động từ cơn mưa như độ mặn, nhiệt độ giảm đột ngột. Khi hết mưa, cần kiểm tra độ mặn ổn định mới kéo lồng lên. Kiểm tra con giống nếu có sự cố phải xử lý ngay.
Kiểm tra sự sinh trưởng của tu hài giống: Đánh dấu 3 lồng, để kiểm tra sự sinh trưởng, mỗi tuần kiểm tra 1 lần.
Cách kiểm tra: Mở nắp lồng, dùng nước dội lên mặt cát để lấy tu hài. Đưa tu hài vào chậu nước để đếm số con, đo vỏ, tính tỷ lệ sống, tốc độ sinh trưởng.
Sau thời gian 30 ngày, con giống cỡ 5 mm phát triển 20 - 25 mm, tỷ lệ sống đạt 90% .
Khi thu hoạch giống cũng làm như khi thu mẫu kiểm tra. Tu hài giống thu được cho vào thùng xốp hoặc chậu chứa nước biển, có sục khí trước khi chuyển sang nuôi thương phẩm.
Khi thu hoạch nếu bảo quản không tốt, tu hài sẽ nhanh chết
Nuôi tu hài thương phẩm
Phương pháp được nuôi phổ biến hiện nay là nuôi tu hài trong rổ. Khi nuôi thương phẩm sử dụng lồng (rổ) có kích thước (dài x rộng x cao): 50 x 35 x 20 (30).
Mật độ và kích cỡ giống: Thả giống vỏ dài 20 - 25 mm, mật độ từ 30-50 con/lồng.
Kỹ thuật thả giống như sau: Cho cát vào lồng dày 7 - 10 cm. Treo lồng để nước không ngập mặt cát. Dùng ngón tay hoặc que chọc xuống cát thành lỗ. Mỗi lỗ bỏ 1 con tu hài giống (lưu ý để phần miệng tu hài hướng lên trên). Không thả những con giống bị chết hoặc vỏ bị vỡ. Sau khi thả giống thì đậy nắp lưới lại và thả lồng sâu xuống từ 2,5 - 3 m.
Chăm sóc và quản lý
Vệ sinh lồng định kỳ 2 - 3 lần/tháng. Loại bỏ rác, sinh vật bám trên lồng. Từ tháng thứ 2 trở đi, bổ sung cát vào lồng (tăng độ dày của cát lên 15 - 20 cm).
Hàng tháng kiểm tra sự sinh trưởng của tu hài. Khi nuôi thương phẩm thì tu hài đã lớn, dùng tay bới cát để kiểm tra tu hài. Nếu phát hiện chỗ nào cát có màu đen thì ở đó có tu hài chết. Phải loại bỏ cát đen và tu hài chết, nếu có giống thì thả bổ sung vào.
Trong trường hợp thời tiết mưa, nắng kéo dài hoặc rét cần thả lồng xuống sâu hơn. Kiểm tra, gia cố lồng bè chắc chắn, nhất là vào thời điểm mưa bão.
Tu hài cũng mắc một số loại bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng. Hiện chưa có biện pháp điều trị các bệnh này. Cách phòng trị bệnh hiệu quả là lựa chọn con giống tốt, tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, không thả mật độ quá dày.
Thu hoạch và bảo quản
Tu hài có đặc điểm là khi thu hoạch nếu bảo quản không tốt sẽ nhanh chết và không bảo quản được lâu. Nên thu hoạch đồng loạt, lưu giữ tu hài dưới nước hoặc sục ôxy trước khi vận chuyển đi tiêu thụ.