Chia sẻ nội dung:
Thuở còn đi dạy, tôi thường lên mạng tìm kiếm tài liệu bổ sung cho các bài giảng của mình. Một lần tình cờ tôi tìm đến trang web có tên rất ngộ nghĩnh và dễ thương: Tepbac.
Điều làm tôi ngạc nhiên vì đây là một trong những trang web tiếng Việt hiếm hoi chuyên về thủy sản lúc bấy giờ. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa là ngoài những bản tin về hoạt động hay kết quả nghiên cứu khoa học thủy sản được trích từ các nguồn báo chí hay các viện trường, trang web Tepbac còn có một “thư viện” với nhiều tài liệu khá phong phú và đa dạng - bài giảng, giáo trình, luận văn tốt nghiệp, sách kỹ thuật – phần lớn là tiếng Việt.
Một điều thú vị là trang web đã tập hợp được hầu hết các bài giảng và giáo trình mới nhất của các giảng viên trong ngành khắp cả nước. Bằng cách nào mà trang web có được các tài liệu này, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa rõ, nhưng chắc phải có một nỗ lực to lớn. Độc giả có thể tải các tài liệu này một cách miễn phí và không giới hạn trong khi nhiều trang web khác đòi hỏi độc giả phải trả phí. Điều này khiến tôi cảm nhận được mong muốn phục vụ và cống hiến của trang web Tepbac.
Từ các cựu sinh viên, tôi được biết trang web Tepbac do một cựu sinh viên của Khoa Thủy Sản - Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh (KTS) sáng lập và quản trị. Tên của người sáng lập trang web Tepbac, Trần Duy Phong (Cựu SV K.31), thực sự không giúp tôi nhớ được nhiều điều về người cựu sinh viên này.
Khác với các cựu sinh viên của KTS, một người được đào tạo về kỹ thuật chuyên môn nhưng lại đi vào con đường công nghệ thông tin – dù vẫn trong ngành - khiến tôi tò mò lẫn thích thú. Từ đó tôi thường xuyên vào trang web Tepbac, không phải để tìm thông tin mà đơn giản chỉ để xem trang web này phát triển ra sao. Thật ngạc nhiên là Tepbac đã có những bước phát triển rõ rệt và nhanh chóng theo thời gian: Thông tin kỹ thuật đa dạng hơn, bao gồm nhiều khía cạnh của sản xuất, và tiếp cận tốt hơn với các tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản trong và ngoài nước. Ngoài những bản tin cập nhật về sản xuất trích từ các nguồn báo chí trong nước, đã xuất hiện các bài viết chuyên đề về kỹ thuật nuôi thủy sản của các chuyên gia uy tín trong ngành.
Rồi cũng đến ngày tôi được gặp lại người cựu sinh viên mà từ lâu tôi đã có sự yêu mến. Dịp ấy, tôi được KTS mời tham gia một dự án quốc tế với vai trò cố vấn. Một trong những sản phẩm của dự án là xây dựng trang web “Diễn đàn Công nghệ và Đổi mới Nuôi trồng Thủy sản Việt Nam – VINATiP”. Vì đã có cảm tình với trang web Tepbac, tôi đã gọi cho Phong để nhờ thiết kế trang web VINATiP. Bạn ấy vui vẻ nhận lời ngay.
Thế rồi chúng tôi có một buổi gặp mặt để bàn thêm chi tiết. Ấn tượng của tôi về Phong trong lần đầu tiên gặp lại: Một người dễ mến, đáng tin cậy và có nhiều năng lượng. Qua trao đổi cho thấy bạn ấy là một người rất thông minh, giỏi về công nghệ thông tin và có nhiều ấp ủ để phát triển Tepbac nhằm đóng góp nhiều hơn cho nghề nuôi thủy sản. Chẳng bao lâu trang web VINATiP đã được thiết kế và bàn giao với chất lượng như dự án yêu cầu.
Từ đó, chúng tôi hay gặp nhau để uống cà phê và nói chuyện về nhiều vấn đề và thách thức của nuôi trồng thủy sản Việt Nam như sử dụng kháng sinh, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận,... Phong cho tôi biết về kế hoạch phát triển Tepbac trong tương lai để hỗ trợ một cách tích cực cho người nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng. Thế rồi Tepbac đã từng bước xây dựng đội ngũ nhân lực kỹ thuật riêng và mở rộng mạng lưới cộng tác viên có trình độ. Trên trang web Tepbac xuất hiện ngày càng nhiều bài viết chuyên sâu và cập nhật về các giải pháp kỹ thuật trong nuôi tôm như quản lý môi trường nuôi, phương pháp cho ăn và quản lý thức ăn, tăng cường sức đề kháng và phòng bệnh,… Để đóng góp lớn hơn cho nghề nuôi thủy sản, Tepbac đã phát triển thành công ty.
Ổn định các yếu tố môi trường nuôi đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của nuôi tôm. Tepbac đã nghiên cứu phát triển và sản xuất các thiết bị đo các yếu tố môi trường tự động với chi phí rẻ hơn nhiều so với các thiết bị nhập khẩu. Cùng với các thiết bị đo, Tepbac đã phát triển ứng dụng Farmext cho các dòng điện thoại thông minh, có thể kết nối với các thiết bị đo môi trường, cho ăn,… để điều khiển vận hành các quạt nước, máy cho ăn,… từ xa. Ứng dụng Farmext còn có những tính năng như dự báo biến động các yếu tố môi trường ao nuôi, tính toán lượng thức ăn, thuốc và hóa chất đã sử dụng, dự kiến thời điểm thu hoạch,... Như vậy, Farmext được xem như một nhật ký nuôi tôm, có thể giúp cung cấp thông tin của quá trình nuôi cho đánh giá và chứng nhận các thực hành nuôi tốt và giúp truy xuất hoạt động nuôi nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm xuất khẩu. Công ty Tepbac còn xây dựng các phòng phân tích chất lượng nước ở các vùng nuôi trọng điểm để hỗ trợ người nuôi.
Nhận thấy hoạt động mua bán con giống, thức ăn, vật tư cũng như tôm thu hoạch giữa các công ty và người nuôi có trở ngại do qua nhiều khâu trung gian. Công ty Tepbac đã thành lập sàn giao dịch để việc mua bán trở nên dễ dàng hơn và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Để có nguồn vốn cho hoạt động của công ty, Tepbac đã tham gia dự thi và đoạt giải các cuộc thi khởi nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như vốn tài trợ từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp của nước ngoài như AquaSpark và AgFunder. Tepbac còn thực hiện các mô hình nuôi tôm không sử dụng kháng sinh như một trình diễn cho nuôi tôm sạch.
Trong điều kiện của nước ta, việc hiện thực hóa các mơ ước của bản thân và đội ngũ nhân lực của Công ty Tepbac để đóng góp cho sự phát triển nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung không phải là điều dễ dàng. Nhưng tôi tin rằng Phong và các cộng sự của mình vẫn sẽ kiên định với con đường mình đã chọn. Chúc Phong và Công ty Tepbac có những thành công mới và đóng góp nhiều hơn cho ngành thủy sản nước nhà.
Món quà đáng giá nhất đối với thầy cô chính là sự trưởng thành và thành công của học trò trên suốt hành trình giảng dạy đầy tâm huyết. Đó chính là động lực để thầy cô tiếp tục cống hiến, vun đắp tri thức và gieo mầm cho những thế hệ tiếp theo. Trên mỗi bước thành công của học trò đều là niềm vui, niềm tự hào to lớn của những người làm nghề giáo.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tép Bạc xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến thầy cô - những người lái đò tận tụy. Chúc thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công trên hành trình "ươm mầm xanh" cho thế hệ tương lai!