Chia sẻ nội dung:
Năm 2020, diện tích nuôi thủy sản của Cần Thơ đạt 9.000 ha, sản lượng 224.000 tấn (tăng 10% so với năm 2016), trong đó cá tra chiếm khoảng 80%.
Hiện Cần Thơ có 45 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu bình quân của mặt hàng cá tra hàng năm đạt khoảng 500 triệu USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Thông tin trên được ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ) cho biết tại Hội nghị Sơ kết Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 7/4/2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao diễn ra tại địa phương này ngày 3/11.
Theo ông Hải, bước đột phá của nghề nuôi cá tra ở Cần Thơ bắt đầu cách đây hơn 20 năm, khi Trường Đại học Cần Thơ cùng một số đơn vị nghiên cứu cho cá tra bố mẹ sinh sản nhân tạo thành công thay vì chỉ dựa vào con giống đánh bắt ngoài tự nhiên như trước đó.
Đến năm 2017, giống cá tra được cải thiện về mặt di truyền, có khả năng tăng trưởng vượt so với cá tra bình thường từ 20 – 25% được Viện Nuôi trồng Thủy sản 2 ở Nha Trang nghiên cứu thành công, khắc phục được tình trạng đồng huyết khiến hiệu quả bị giảm sau nhiều năm chăn nuôi.
Tại Cần Thơ đã có 4 cơ sở sản xuất tiếp nhận 8.800 con cá bố mẹ từ nguồn giống mới này để nhân giống, phục vụ cho nuôi thương phẩm. Đàn cá bố mẹ này đến này đã tạo ra 500 triệu cá giống, đáp ứng cho trên 100 ha nuôi thương phẩm với năng suất đạt từ 250 – 300 tấn/ha.
Các sản phẩm từ cá tra hiện nay đã có mặt tại thị trường của hơn 100 quốc gia. Chuỗi giá trị của con cá tra cũng được nâng lên. Từ ban đầu chỉ có cá tra phi lê, đến nay các nhà máy chế biến đã áp dụng công nghệ để chiết xuất collagen từ da cá tra, dầu cá, snack cá tra ăn liền, các phụ phẩm khác cũng được tận dụng làm bột cá…
Tuy nhiên, theo ông Hải, đến nay trong nghề nuôi cá tra vẫn còn một số công đoạn còn sử dụng lao động thủ công, trong khi có thể thay bằng cơ giới hóa để tăng năng suất. Ví dụ như khâu cho cá ăn, thu hoạch cá đã hoàn toàn có thể thực hiện bằng hệ thống tự động và đã có một số doanh nghiệp áp dụng. Bên cạnh đó, nên ứng dụng các công nghệ như PCR để xét nghiệm bệnh nhanh đối với vật nuôi thủy sản, trong đó có cá tra.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho thấy, thành phố hiện có 2 hợp tác xã, 35 hộ nông dân liên kết với các nhà máy và 9 doanh nghiệp tham gia nuôi cá tra với diện tích 251 ha. Cần Thơ đã tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất để phát triển theo đúng quy hoạch, tiêu chuẩn quy định và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Cơ quan chức năng cũng đã cấp mã số nhận diện cho 301 cơ sở nuôi với tổng diện tích 580 ha nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu theo Nghị định 55/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Tại hội nghị, bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản thành phố Cần Thơ kiến nghị xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc điện tử đối với mặt hàng cá tra thông qua theo dõi dữ liệu ao nuôi hàng ngày. Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục giảm hệ số sử dụng thức ăn trong nuôi cá tra (hiện mỗi kg cá tra thương phẩm cần khoảng 1,5 kg thức ăn) từ đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cá tra là vật nuôi chủ lực của thành phố, tuy diện tích không nhiều nhưng Cần Thơ là một trong những địa phương mạnh và phát triển nhanh trong lĩnh vực này, từ sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm.
Đối với đề xuất của Hiệp hội Thủy sản thành phố Cần Thơ, ông Dũng đề nghị ngành nông nghiệp sớm tham mưu cho UBND thành phố để làm sao thực hiện được hai đề tài là truy xuất nguồn gốc điện tử và giảm hệ số thức ăn trong chăn nuôi. Theo ông Dũng, đây là hai yêu cầu rất thiết thực và cũng là điều kiện để thành phố thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo định hướng ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản ở Cần Thơ đến năm 2025, địa phương sẽ xây dựng vùng công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung trên địa bàn huyện Cờ Đỏ và xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi cá tra thương phẩm tập trung ở cồn Tân Lộc, quận Thốt Nốt với diện tích mỗi vùng là 100 ha.
Đồng thời, sẽ cho nhập các thiết bị, quy trình sản xuất giống, quy trình nuôi tiên tiến từ các nước có điều kiện tương đồng với Cần Thơ. Ứng dụng và hoàn thiện các công nghệ nuôi thủy sản hiện đại như: nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ Biofloc, công nghệ Aquaponic nhằm tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Sau thời gian giảm sâu kéo dài, giá cá tra nguyên liệu, cá giống và giá xuất khẩu đều đã tăng trở lại. Đến cuối tháng 10/2020, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên mức 21.000 - 23.000 đồng/kg – mức giá có lãi cho người nuôi.
Cùng với đó, cá tra giống cũng tăng giá khá nhanh do thiếu nguồn cung. Sau một thời gian dài chỉ quanh quẩn ở mức 15.000 – 17.000 đồng/kg thì hiện nay, giá cá tra giống (loại 30 – 35 con/kg) ở Cần Thơ đã tăng lên 28.000 – 29.000 đồng/kg, giúp người sản xuất có lãi khá cao. Nguyên nhân khiến giá cá giống bật tăng là do vừa qua do mưa bão, thời tiết bất lợi nên việc ương nuôi bị hao hụt nhiều, dẫn đến nguồn cung cá giống thiếu hụt.
Đối với giá cá tra xuất khẩu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hồi tháng 1/2020, giá cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu ở mức 2,25-2,35 USD/kg. Tuy nhiên, trong tháng 2 và 3 lại giảm xuống mức dưới 2,2 USD/kg và duy trì cho tới hết tháng 6. Bước sang quý 3/2020, giá bắt đầu tăng trở lại, lên mức từ 2,35- 2,5 USD/kg và tới cuối tháng 10/2020, mỗi kg cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu có giá 2,65 – 2,7 USD.
Tính đến hết tháng 9/2020, diện tích thả nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt 4.968 ha, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng sản lượng cá tra 9 tháng năm 2020 ước đạt trên 1 triệu tấn, bằng 93,6% so với cùng kỳ năm 2019.