\

Khuyến cáo người dân không đánh bắt, mua bán, sử dụng cá nóc

Khuyến cáo người dân không đánh bắt, mua bán, sử dụng cá nóc

Chia sẻ nội dung:

Thời gian qua, tình trạng khai thác, chế biến, sử dụng, kinh doanh cá nóc vẫn diễn ra tại một số khu vực trên địa bàn Bình Thuận, nhất là các huyện miền biển, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Thời gian qua, tình trạng khai thác, chế biến, sử dụng, kinh doanh cá nóc vẫn diễn ra tại một số khu vực trên địa bàn Bình Thuận, nhất là các huyện miền biển, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Mặc dù các địa phương, ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng ở nhiều nơi, người dân vẫn sử dụng trong bữa ăn hằng ngày. Ngày 5/1, sáu người tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong đã dùng các nóc vàng đánh bắt được để chế biến thức ăn. Sau đó, 6 người đều nhập viện với triệu chứng tê đầu lưỡi, tê tay, chân, yếu nửa thân dưới. Mặc dù được cấp cứu tích cực nhưng một người đã tử vong sau đó.

Để phòng, chống ngộ độc thực phẩm do cá nóc tiếp tục xảy ra trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ngộ độc cá nóc.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức của người dân đối với sự nguy hại của độc tố tự nhiên có trong cá nóc để mọi người dân nêu cao ý thức tự giác không đánh bắt, thu gom, vận chuyển, mua bán, chế biến, tiêu dùng cá nóc; khuyến cáo ngư dân không đánh bắt cá nóc, phải loại bỏ ngay số cá nóc bị lẫn trong hải sản khai thác được. Các cơ sở kinh doanh hải sản cam kết không mua bán, chế biến, tiêu thụ cá nóc; đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi đánh bắt, chế biến, thu mua, buôn bán cá nóc làm thực phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đôn đốc các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cảng cá, chợ, các điểm bán cá tại tỉnh theo phân công, phân cấp quản lý để phát hiện và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất có hành vi kinh doanh cá nóc trái quy định của pháp luật.

Ngành Y tế Bình Thuận đề nghị Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương đẩy mạnh đưa tin, tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống truyền thông tại địa phương về các vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cá nóc cho người dân biết để phòng tránh; tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên nói chung và độc tố trong cá nóc nói riêng cho người dân, nhất là người dân vùng ven biển; nâng cao nhận thức của người dân đối với sự nguy hại của độc tố tự nhiên có trong cá nóc đến sức khỏe và tính mạng con người.

Cá nóc có chứa độc tố tetrodotoxin cực kỳ nguy hiểm, tập trung nhiều ở các bộ phận gan, thận, tụy, túi tinh, cơ bụng, buồng trứng... Theo y học, độc tố tetrodotoxin có trong cá nóc là chất độc cực mạnh, gấp hằng trăm lần so với xyanua. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, khoảng 10 gram thịt cá nóc chứa độc tố tetrodotoxin khiến người từ khỏe mạnh rơi vào tình trạng ngộ độc. Khoảng từ 1 - 2 mg chất độc tetrodotoxin gây nên tử vong cho con người nếu không được cấp cứu, chữa trị kịp thời.

Hồng Hiếu (TTXVN)

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website