Kinh tế tuần hoàn từ bối cảnh đến góc nhìn ngành tôm

Kinh tế tuần hoàn từ bối cảnh đến góc nhìn ngành tôm

Chia sẻ nội dung:

Kinh tế tuần hoàn (KTTH), xu hướng phát triển của thế giới thay thế mô hình kinh tế tuyến tính (linear economy) hiện tại với đặc trưng “khai thác-sản xuất-thải bỏ” (take-make-dispose) để giúp làm chậm, chấm dứt và thu hẹp chu trình về tài nguyên. Vấn đề này, tại VietShrimp 2024 vừa diễn ra, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Hoa Cương có bài “Kinh tế tuần hoàn: Bối cảnh tổng thể và góc nhìn cho ngành tôm” xin lược trích sau.

Bối cảnh chung 

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 (Điều 142) định nghĩa: “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. 

Đề án của CIEM (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 687 ngày 7/6/2022) nhìn nhận theo nghĩa rộng: “KTTH là một mô hình tổ chức hoạt động kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất gắn kết với nhau trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác”, tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối (tài chính, logistics, CNTT&TT), hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn”. 

Thực trạng hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề về rác thải, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, mức độ tiêu thụ chưa bền vững và cần chuyển đổi từ các mô hình “kinh tế truyền thống” sang “kinh tế tuần hoàn” 

Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam bằng Quyết định số 687/QĐ-TTg, nêu rõ: “Phát triển KTTH phải dựa trên cách tiếp cận mở… bảo đảm huy động và sử dụng hiệu quả tri thức nhân loại, các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số...” 

Thực tiễn và tồn tại 

Một số doanh nghiệp ở nước ta đã thực hiện KTTH khá sớm. Ngày 21/6/2019 có 9 doanh nghiệp (TH Group, Coca-Cola Việt Nam, FrieslandCampina Việt Nam, La Vie, Nestlé, Nutifood, Suntory Pepsico Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation) bắt tay thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (Pro Vietnam) với cam kết tái chế toàn bộ bao bì tại Việt Nam vào năm 2030. 

Năm 2021, Nestlé Việt Nam được khen thưởng với một số kết quả: 100% nhà máy “không phát thải chất rắn chôn lấp ra môi trường; 100% bã cà phê của công ty được tái chế và sử dụng làm nhiên liệu sinh khối (giúp giảm trung bình 12.670 tấn CO2 phát thải hàng năm) cung cấp 74,4% nguồn nhiên liệu làm chất đốt; 93,5% bao bì sản phẩm được tái chế, tái sử dụng; giảm gần 2.000 tấn nhựa và giảm gần 16.000 tấn phát thải CO2.  

Cùng năm 2021, Coca-Cola Việt Nam được vinh danh với giải pháp đã thực hiện: Bỏ màng co nhựa trên sản phẩm chai nước tinh khiết, thay thế chai nhựa xanh đặc trưng bằng chai nhựa PET trong suốt để tái chế dễ dàng hơn. Sử dụng hiệu quả và bồi hoàn nước với việc thành lập 12 trung tâm Ekocenter trên cả nước, cung cấp 13 triệu lít nước sạch cho khoảng 917 nghìn người. 

Heineken Việt Nam: Tại nhà máy, phụ phẩm bã bia sau quá trình sản xuất được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc, nước thải được xử lý triệt để có thể tưới cây hoặc nuôi cá. Có 5 trong 6 nhà máy của Heiniken Việt Nam sử dụng năng lượng nhiệt tái tạo, không phát thải carbon; sử dụng xe tải đạt chuẩn và tận dụng vận chuyển bằng xe lửa giúp giảm 2.000 tấn khí thải CO2. 

 

Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa áp dụng, thậm chí là chưa tìm hiểu về kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mới chỉ có khoảng 3-6% doanh nghiệp áp dụng đổi mới mô hình kinh doanh hoặc đã áp dụng một trong những nội dung của kinh doanh tuần hoàn. Tỷ lệ các doanh nghiệp chưa áp dụng bất kỳ hình thức đổi mới mô hình kinh doanh nào theo hướng tuần hoàn là 37,6%.  

Góc nhìn cho ngành tôm 

Trong thủy sản đã có các mô hình lúa - tôm, lúa – cá. Dễ dàng thấy KTTH, phân của tôm, cá và thức ăn còn dư là phân bón bổ sung dinh dưỡng cho lúa. Khi gặt lúa xong, thả tôm (cá) vào ruộng, gốc rạ, thóc rơi vãi trở thành nguồn thức ăn cho tôm, cá. Mô hình giúp giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn, giúp nông dân nâng cao thu nhập gấp từ 5 - 10 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với chỉ trồng lúa. 

Tiềm năng KTTH thuỷ sản là khá lớn. Các chuyên gia đã tính toán, năm 2020, tổng khối lượng phụ phẩm của thủy sản gần 1 triệu tấn nhưng chế biến mới đạt 275 triệu USD, trong khi nếu khai thác hết bằng công nghệ cao thu về 4 - 5 tỷ USD. Trong đó, phụ phẩm ngành tôm chiếm giá trị lớn với nguyên liệu cho mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, nông nghiệp. 

Thực tế đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng KTTH và kinh doanh tuần hoàn, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi. Còn doanh nghiệp cần tham gia có hiệu quả các chuỗi liên kết, mạng sản xuất, từ trong nước đến khu vực và toàn cầu để tăng cường sự kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhất là với các doanh nghiệp có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 

“Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng truyền thông khi chuyển đổi sang mô hình KDTH để nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tốt, nhất là đối với những doanh nghiệp đang có tác động lớn đến môi trường với mô hình kinh doanh tuyến tính hiện tại. Chú trọng phát triển thị trường đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt là hướng tới các thị trường xuất khẩu ở các nước phát triển, có ưu tiên đối với các sản phẩm xanh, sản phẩm từ kinh doanh tuần hoàn để tận dụng được sự ủng hộ và những ưu đãi từ chính phủ, người tiêu dùng của thị trường đó”, ông Nguyễn Hoa Cương kết luận. 

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website