Cá điêu hồng nguyên con – sản phẩm lợi thế của Việt Nam trên thị trường thế giới

Cá điêu hồng nguyên con – sản phẩm lợi thế của Việt Nam trên thị trường thế giới

Chia sẻ nội dung:

Tại Hội thảo “Nỗ lực cho mục tiêu 300.000 tấn cá rô phi năm 2020” do Tổng cục Thủy sản và VASEP phối hợp tổ chức ngày 4/8/2016 trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2016, ông Châu Minh Đạt, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Long Seafood và hiện là đại diện công ty Seafood Connection tại Việt Nam, đã có ý kiến nhận định về tồn tại của ngành cá rô phi và đề xuất giải pháp lựa chọn cá điêu hồng là sản phẩm lợi thế của Việt Nam trên thị trường cá rô phi thế giới.

Bản tin TMTS xin tóm tắt lại nội dung chính như sau:

Hoàng Long Seafood là đơn vị đi đầu về phát triển cá rô phi ở Việt Nam và đạt chứng nhận ASC đầu tiên vào năm 2012. Thời điểm đó là cột mốc đáng ghi nhớ cho ngành cá rô phi Việt Nam, vì 2 năm sau Trung Quốc mới có 4 ASC đầu tiên và Đài Loan vẫn chưa có. Điều đó chứng tỏ chúng ta có lợi thế nhất định để tiếp cận thị trường. Chúng ta có ASC đồng nghĩa với việc sản phẩm của chúng ta sẽ được thị trường Châu Âu đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, sau 2 năm cá rô phi của chúng ta bị chìm trước sự cạnh tranh về giá với Trung Quốc. Thực tế là hiện nay, ngành cá rô phi Việt Nam đang bị chết dần chết mòn chỉ sau 2-3 năm bùng nổ. Vấn đề là nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam cũng ồ ạt nuôi cá rô phi và cũng có ASC nhưng lựa chọn của họ là đối đầu trực tiếp với Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Đó là một sai lầm, ít nhất là trong thời điểm hiện nay.

Châu Âu bắt đầu mở cánh cửa thị trường cho chúng ta nhưng hé mở từ từ với các phân khúc rất nhỏ, vì vậy chúng ta phải biết kiên nhẫn để phát triển bền vững. Nếu phát triển ồ ạt thì sẽ giống như ngành cá tra. Nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ về con giống, kỹ thuật nuôi, kỹ thuật chế biến và đặc biệt là về thị trường, nếu không biết thế mạnh ở đâu mà cứ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc về giá bán thì tự chúng ta kết thúc cuộc chơi quá sớm.

Hiện nay ngành cá rô phi mới mẻ của Việt Nam có 4 trại nuôi có ASC, Trung Quốc cũng chỉ có 4 đơn vị có ASC. Nhưng đến nay, Seacon muốn mua 1 đơn hàng cho siêu thị buộc phải quay lại Regal Springs của Indonesia mua một nửa cá rô phi kết hợp với một nửa cá tra Việt Nam trong 1 thùng hàng. Năm 2012 những sản phẩm này có thể kết hợp làm ngay tại nhà máy nhưng bây giờ phải quay lại mua cá rô phi từ Indonesia và cá tra từ Việt Nam về đóng gói tại Hà Lan. Nghĩa là quay lại cách làm cũ, vì hợp đồng đó không mua được cá rô phi ASC tại Việt Nam. Cá rô phi đen nguyên con ở Việt Nam khó mua vì giá cao. Đối với mặt hàng cá nguyên con, giá của nhà sản xuất nhỏ với giá của nhà máy lớn tại Việt Nam chênh lệch gần 50 cent/kg, còn so với giá của Trung Quốc thì cao hơn khoảng 20 cent/kg. Như vậy, giá của nhà cung cấp lớn của chúng ta đang cao hơn giá của Trung Quốc 60 – 70 cent/kg. Còn phile có thể chênh lệch giá 20-30 cent là bình thường. Đối với cá rô phi cũng như cá tra, giá chênh lệch nhau 5 – 10 cent đã là chuyện lớn, ở đây giá của chúng ta cao hơn 20-30 cents.

Việc đi tìm sản phẩm cá rô phi với giá cạnh tranh hiện nay rất khó. Vì vậy, chúng ta phải chọn sản phẩm cá rô phi gì có lợi thế cạnh tranh để có thể phát triển. Chúng ta cần phải biết là chúng ta có con cá điêu hồng là viên ngọc quý. Mấy chục năm qua, cá điêu hồng được định hình, được người dân lựa chọn và điều kiện thổ nhưỡng ở đây cho phép. Sức sống của cá điêu hồng tốt hơn nhiều so với giống cá rô phi đen/vằn mà chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn giống bên ngoài từ Thái Lan, Philipin, Trung Quốc...Việc nhập giống này tốn kém chi phí và bị hao hụt lớn (40 – 60%/lô), dẫn đến hiệu quả kém, nhiều nhà máy phải thu hẹp vùng nuôi hoặc ngừng nuôi.

Con giống cá điêu hồng người dân ở vùng ĐBSCL nuôi rất nhiều nhưng chưa được sự quan tâm đúng mức. Viện Thủy sản II có làm 1 đàn giống lai tạo từ Israel, nhưng chương trình không đạt hiệu quả. Ở Tiền Giang, cũng có nhưng rất manh mún. Cuối cùng, tự DN phải mày mò tìm cá giống bố mẹ.

Chúng ta xác định cá điêu hồng chính là lợi thế của Việt Nam vì phù hợp với thổ nhưỡng, hao hụt ít, người dân đã biết cách nuôi, chủ động được con giống ở một chừng mực nhất định, cạnh tranh trên thị trường không nhiều. Trung Quốc và Đài Loan cũng có cá điêu hồng, nhưng mỗi nước đều có bất lợi, không thể cạnh tranh với chúng ta, vì diện tích không bằng so với mặt bằng chúng ta đang có ở ĐBSCL. Về mùa vụ, họ không có lợi thế quanh năm như chúng ta. Về thị trường họ ưu tiên cho tiêu thụ nội địa. Thái Lan nuôi cá điêu hồng bán tại thị trường nội địa với giá rất cao, nên không quan tâm đến XK. Chính những nước này đi tìm mua cá điêu hồng Việt Nam cho thị trường nội địa hoặc xuất đi thị trường khác. Như vậy, chúng ta chỉ có thể bán cá nguyên con mới có thể tạo ra được thương hiệu và sự khác biệt, chúng ta chưa làm phile được vì kỹ thuật chế biến còn thấp không cạnh tranh được. Bước khởi đầu nên bắt đầu từ cá điêu hồng nguyên con, cắt khúc với vị trí số 1, sau đó về lâu dài mới phát triển hàng chế biến GTGT. Nếu chúng ta làm được như vậy, cùng với chứng nhận ASC, không lâu sau chúng ta sẽ được cả thị trường Mỹ và châu Âu chấp nhận. Hiện nay công ty Seacon cũng đang mua cá điêu hồng xuất đi thị trường Mỹ nhưng sản lượng cung ứng rất bấp bênh. Đối với sản phẩm này, các nhà sản xuất nhỏ lại lợi thế hơn các nhà sản xuất lớn. Điều đó cho thấy việc quản lý và quy hoạch của ngành này còn có vấn đề chưa đúng, dẫn đến qui mô về kinh tế không bù được cách làm ăn manh mún.

Các tỉnh ĐBSCL đều ủng hộ việc nuôi cá điêu hồng để XK, trong đó tỉnh Đồng Tháp đi tiên phong, chỉ cần đảm bảo giá ổn định, cung ứng cho nông dân thức ăn, thuốc để họ yên tâm và có các cam kết. Thị trường cá điêu hồng còn bị ảnh hưởng bởi tiêu thụ nội địa. Giá cá chợ lên xuống thất thường dao động từ 27.000 – 37.000 đ/kg, chênh lệch tới 10.000 đ/kg. Sự chênh lệch đó có thể khiến người nuôi phá sản bất kỳ lúc nào, vì vậy họ chọn phương án làm cam kết với nhà máy với giá trung bình 30.000 – 32.000 đ/kg.

Tuy nhiên, nếu làm từng địa phương như vậy sẽ rất manh mún. Chương trình 300.000 tấn cá rô phi cần phải làm một cách đồng bộ. Chúng ta nên làm tốt đối với cá điêu hồng đang có sẵn nguồn trong dân, chứ không đi làm cá rô phi phải nhập giống từ các nước khác. Các nhà sản xuất tập trung sản xuất tại thị trường, liên kết với nông dân là tốt nhất, tự nhà máy nuôi sẽ không quản lý nổi vì thất thoát rất lớn, chi phí cao. Chỉ có nông dân nuôi nhỏ lẻ mới có thể nuôi được với giá cạnh tranh 28.000 – 29.000 đ/kg, nhà máy nuôi giá thành sẽ là 30.000 đ/kg trở lên.

Nhà nước cần hỗ trợ về con giống. Chương trình giống về cá điêu hồng cần phải được làm một cách bài bản và nghiêm túc và có tâm. Thị trường đang chờ sẵn nếu chúng ta làm được một cách đồng bộ và giữ giá ổn định lý tưởng 30.000 – 32.000 đ/kg cho cả người nuôi và nhà máy và người mua. Nếu chúng ta xây dựng hình ảnh con cá điêu hồng gắn với ĐBSCL và làm thương hiệu quốc gia thì sau này chúng ta có thể phát triển cả sản phẩm phile. 


Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website  
>