Chia sẻ nội dung:
Ở tỉnh Hậu Giang, nhiều vùng nông thôn mấy năm nay mở rộng trồng mít hữu cơ và phát triển nuôi cá tra, cá đồng đã cho thu nhập khá ổn định.
Ở tỉnh Hậu Giang, nhiều vùng nông thôn mấy năm nay mở rộng trồng mít hữu cơ và phát triển nuôi cá tra, cá đồng đã cho thu nhập khá ổn định.
Những vùng đất trước đây trồng lúa, hoa màu khi không còn thích hợp nên hiệu quả kinh tế thấp, bà con chuyển sang trồng mít Thái hữu cơ và phát triển thêm ao nuôi cá tra. Ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành có ông Ngô Đức Nghĩa khá nổi tiếng với diện tích mít và cá tra hơn 16,7 ha.
Ông Nghĩa chỉ khu vườn, giới thiệu có 5.000 cây mít Thái trồng theo lối hữu cơ trên bờ ao nuôi cá tra, không sử dụng thuốc hóa học. Những cây mít xanh tươi có tác dụng hạn chế cỏ dại, tạo không khí mát mẻ cho cá lớn nhanh, bớt dịch bệnh và giảm được chi phí, khi thu hoạch trái mít thêm nguồn lợi đáng kể. Còn cá tra 3 ao với tổng diện tích gần 10 ha, thêm 2 ao lắng gần 3 ha nữa, mỗi vụ khoảng 6 tháng là doanh nghiệp thu mua đến bắt. Ông Nghĩa phấn khởi, hệ thống ao nuôi cá tra xuất khẩu cùng 5.000 cây mít Thái mang lại lợi nhuận khả quan, nhất là nếu thị trường biến động thì bù qua sớt lại cho kết quả ổn định.
Hiệu quả kinh tế của khu vườn ông Nghĩa đã lôi cuốn ông Lữ Văn Hùng là Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) hợp tác. Ông Hùng quê ở xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy, xuất thân trong gia đình nông dân nên mê những mô hình làm ăn mới, có thể thay đổi quê nhà. Mấy năm nay, ông Hùng và ông Nghĩa hợp tác vay vốn ngân hàng để đầu tư ao cá và vườn mít. Hai ông còn liên kết với nông dân trong vùng để có nguồn nguyên liệu hàng hóa lớn, ổn định cả cá và trái cây cung cấp cho khách hàng.
Ngày nghỉ cuối tuần, ông Hùng thường có mặt rất sớm, cùng ông Nghĩa cho cá ăn và chia sẻ khó khăn lẫn ngọt bùi với kỹ thuật viên thủy sản, người nông dân kế cận. Ở đây, khi đến kỳ thu hoạch, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đưa ghe trọng tải lớn đến mua tận ao, còn mít Thái thì thương lái đưa ghe hoặc chạy xe tới chở. Toàn bộ vùng nuôi có hệ thống bờ bao bảo vệ an toàn, xe máy chạy được quanh năm.
Khu vườn mít, ao cá tra có bờ bao làm đường lớn thuận tiện đi lại chuẩn bị mở điểm du lịch cộng đồng. Ảnh: Quang Minh Nhật
Vui chuyện, hai ông bày tỏ, họ đã bàn với nông dân xung quanh để tới đây, khu vực nuôi cá tra kết hợp trồng mít Thái này sẽ mở điểm du lịch cộng đồng, mời du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm. Việc này tăng thu nhập cho nông dân và còn giới thiệu được quê hương Hậu Giang giàu đẹp với bốn phương.
Trồng mít Thái hữu cơ và nuôi cá đồng sớm nhất ở Hậu Giang có thể kể đến hộ ông Lương Văn Tám tại xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, với diện tích khoảng 1,5ha cho thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Chục năm trước, ban đầu ông lên liếp 2 công ruộng trồng 200 cây mít Thái, chỉ 14 tháng cho trái, đưa lại nguồn lợi khả quan. Ông mở thêm 6 công để trồng 1.000 cây mít và chỉ bón phân hữu cơ, thuốc sinh học. Trồng mít hữu cơ nên khu vườn không bị ô nhiễm, ông tận dụng diện tích mặt nước dưới mương để nuôi cá đồng.
Ông Tám kể, trồng mít có một lượng trái non, trái dạt ra rất thích hợp dùng nuôi cá. Ngoài cây mít, khu vườn còn 7 công ruộng, ông giữ lại trồng lúa vụ đông xuân và rau muống, rau lang để tạo môi trường thiên nhiên trong lành, thêm thức ăn cho cá.
Thế là với diện tích 1,5 ha, trước đây làm 2 vụ lúa, bây giờ ông Tám chỉ làm một vụ lúa trên nửa diện tích; còn lại là mít, rau, mương cá hỗ trợ nhau phát triển quanh năm, cho thu nhập thường xuyên. Cá vừa ăn thức ăn trong vườn vừa ăn rong, rêu, ốc trên ruộng nên khỏe mạnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, bán được giá.
“Cứ khoảng một tuần có mít thu hoạch. Còn cá trên mương và ruộng 6 tháng thu hoạch một lần. Thêm vụ lúa đông xuân. Tổng thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng tiền lời, ổn định hơn hẳn trước đây chỉ làm 2 vụ lúa”, ông Tám phấn khởi.