\

Cơ cấu giá thành nuôi tôm nước lợ và giải pháp giảm giá

Cơ cấu giá thành nuôi tôm nước lợ và giải pháp giảm giá

Chia sẻ nội dung:

Các chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II vừa công bố kết quả khảo sát khá đầy đủ về cơ cấu giá thành nuôi tôm nước lợ ở nước ta và đề xuất một số giải pháp giảm giá thành nuôi tôm trong bối cảnh mới.

Nuôi tôm sú theo mô hình tôm - lúa

Cơ cấu giá thành nuôi tôm sú theo mô hình tôm – lúa: Giống chiếm 59,38%; Thuốc, hóa chất 19,10%; Khấu hao tài sản cố định 6,68%; Điện 5,30%; Dầu 4,24%; Khác 5,30%

Những hạn chế và khó khăn chính hiện nay: Thời tiết thay đổi ngày càng bất lợi. Nguồn nước cấp hạn chế, bùn đáy hữu cơ cao. Chất lượng con giống thiếu ổn định. Oxy hòa tan thấp (chủ yếu trong mương bao). Thức ăn tự nhiên biến động cao và nghèo.

 

Các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất: Ương tôm giống trong ao trước khi thả vào ruộng để nâng cao tỷ lệ sống. Quản lý thức ăn tự nhiên: Bổ sung phân hữu cơ vi sinh tạo thức ăn tự nhiên; Nghiên cứu giải pháp tăng cường Oxy trong ao nuôi. Chọn giống lúa có hiệu quả kinh tế cao như lúa ST, Một bụi đỏ, Nàng keo. Người dân cần tăng cường kỹ thuật.

Nuôi tôm sú kết hợp rừng ngập mặn

Cơ cấu giá thành nuôi tôm sú kết hợp rừng ngập mặn: Giống chiếm 35,61%; Cải tạo ao 44,50%; Thuốc cá, vôi 14,84%; Chi phí khác 2,97%; Thu hoạch 2,08%.

Năng suất tôm nuôi và lợi nhuận có tương quan thuận với tỷ lệ tôm sống. 

Các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất: Ương giống tôm trước khi thả nuôi. Sử dụng vi sinh để ổn định môi trường và tạo thức ăn tự nhiên. Kỹ thuật canh tác và quản lý để đạt chứng nhận sinh thái, tăng giá bán tôm. Nên đa dạng đối tượng nuôi cùng với tôm để nâng cao giá trị kinh tế.

Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 

Khảo sát với các ao nuôi tôm có cua. Tôm giống thả mật độ 9,26 ± 2,52 con/m2/năm, cỡ giống PL20-25. Thả giống 3 lần trong năm. Tỉ lệ sống 14,02 ± 6,85%. Thời gian từ khi thả đến thu hoạch là 98,94 ± 13,39 ngày. Năng suất tôm 401,76 ± 110,36 kg/ha/năm. Giá thành 24.450 ± 7.620 đồng/kg; Lợi nhuận 80.840.000 ± 22.030.000 đồng/ha/năm trong đó có cả cua

Cơ cấu giá thành tôm: Giống chiếm 36%; Chi phí cố định 13%; Cải tạo ao 15%; Nhiên liệu 12%; Thuốc cá, vôi 5%; Lao động 7%; Thức ăn 7%; Khác 5%. 

Các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất: Chọn thời gian thả giống trong năm và mật độ thích hợp. Ương tôm giống trong ao ương, trước khi thả vào ao nuôi giúp nâng tỷ lệ sống. Số lần thả giống càng dày thì năng suất càng giảm, nên duy trì 3-5 lần/năm. Quản lý thức ăn tự nhiên: Bổ sung phân hữu cơ vi sinh tạo thức ăn tự nhiên, nghiên cứu giải pháp tăng cường oxy trong ao nuôi.

Nuôi tôm sú bán thâm canh/thâm canh 

Hình thức nuôi dựa hoàn toàn vào thức ăn viên có chất lượng cao, thức ăn tự nhiên không còn giữ vai trò quan trọng. Khảo sát với diện tích ao 0,2-0,5 ha, sử dụng thức ăn công nghiệp, có hệ thống quạt nước, một số hóa chất và chế phẩm sinh học. Nuôi bán thâm canh mật độ 10 -15 con/m2; thâm canh 30-40 con/m2.

Cơ cấu giá thành tôm sú bán thâm canh: Thức ăn chiếm 49%; Giống 7%; Thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học 11%; Cải tạo ao 5%; Điện 6%; Dầu 1%; Lao động 16%; Khấu hao tài sản cố định 4%; Khác 1%. 

Cơ cấu giá thành tôm sú thâm canh: Thức ăn chiếm 41%; Giống 7%; Thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học 12%; Thuê ao 5%; Cải tạo ao 2%; Điện 12%; Dầu 3%; Lao động 8%; Khấu hao tài sản cố định 8%; Khác 2%.

Tích hợp các giải pháp kỹ thuật quản lý ao nuôi nhằm giảm tôm bị bệnh để tăng hiệu quả: Chi phí thức ăn chiếm tỉ lệ cao nên cần kiểm soát thức ăn theo chu kỳ tăng trưởng và lột xác của tôm; sử dụng thức ăn chất lượng cao với hiệu suất FCR tốt, qua đó giảm lãng phí và nâng cao tốc độ tăng trưởng tôm. Mật độ và tỉ lệ sống ảnh hưởng tới chi phí giá thành và lợi nhuận nên có thể nuôi nhiều giai đọan, quan trọng là tiến hành ương nuôi để nâng cao tỷ lệ sống giai đoạn đầu và kiểm soát bệnh. Cải tiến hệ thống quản lý nước: Áp dụng các công nghệ tuần hoàn nước giúp giảm chi phí xử lý nước và hóa chất.

Nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh/thâm canh 

Nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh năng suất 6-15 tấn/ha/vụ, thâm canh 10-25 tấn/ha/vụ; tùy thuộc vào mật độ thả giống, trình độ kỹ thuật nuôi. Quy trình kỹ thuật chủ yếu là nuôi ít thay nước. Quản lý quy trình nuôi bằng hóa chất cho diệt khuẩn, quản lý tảo ao nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học cải thiện chất lượng đáy và nước ao nuôi. Quản lý bệnh bằng sử dụng các loại kháng sinh và hóa chất

Cơ cấu giá thành nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh: Thức ăn chiếm 47%; Giống 10%; Thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học 13%; Cải tạo ao 3%; Điện 7%; Dầu 2%; Lao động 5%; Khấu hao tài sản cố định 11%; Khác 2%.

Cơ cấu giá thành nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh: Thức ăn chiếm 46%; Giống 16%; Thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học 10%; Cải tạo ao 3%; Điện 7%; Dầu 3%; Lao động 5%; Khấu hao tài sản cố định 8%; Khác 2%.

Tích hợp các giải pháp kỹ thuật quản lý ao nuôi nhằm giảm tôm bị bệnh để tăng hiệu quả: Chi phí thức ăn chiếm tỉ lệ cao nên cần sử dụng thức ăn chất lượng cao với hiệu suất FCR tốt, qua đó giảm lãng phí và nâng cao tốc độ tăng trưởng tôm. Tự động hóa hệ thống cho ăn và quản lý môi trường để giảm chi phí lao động và tăng hiệu quả quản lý, giúp tôm phát triển nhanh và đều hơn.

Mật độ và tỉ lệ sống ảnh hưởng tới chi phí giá thành và lợi nhuận nên có thể nuôi nhiều giai đọan, quan trọng là tiến hành ương giống để nâng cao tỷ lệ sống giai đoạn đầu và kiểm soát bệnh. Việc tăng mật độ trong ao nuôi cần tính tới tỉ lệ và tốc độ thay nước (24 giờ) và khả năng lọc nước của hệ thống (kết hợp lý, hóa và sinh học, tái sử dụng nguồn dinh dưỡng thải như nuôi biofloc, cá rô phi,…) để có thể tiết kiệm các chi phí hóa chất, vi sinh, khoáng, năng lượng. 

Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh

Khảo sát các hộ nuôi bể tròn 500 m2, nuôi 3 giai đoạn với mật độ giai đoạn 1 là 600 con/m2, FCR từ 1,1 – 1,4; tỉ lệ sống đến giai đoạn 3 là 55%.

Cơ cấu giá thành: Thức ăn chiếm 60%; Giống 10%; Thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học 9%; Thuê đất 1%; Cải tạo ao 2%; Thuê/khấu hao ao 2%; Điện 7%; Dầu 1%; Lao động 2%; Thiết bị/bảo trì 3%; Thu hoạch 1%; Khác 2%.

 

Cao nhất là chi phí thức ăn chiếm 60%, tiếp theo là giống 10%. Mô hình nuôi chuyển bể thì tỉ lệ sống lúc sang tôm ảnh hưởng đến năng suất và quyết định giá thành. Các mô hình có tỷ lệ sống đến lúc thu hoạch còn khoảng 55%, ảnh hưởng của kỹ thuật sang chuyển tôm các giai đoạn khác nhau.

Chi phí thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học chiếm 8% đứng thứ 3. Để giảm giá thành cần tính tới tỉ lệ và tốc độ thay nước và khả năng lọc nước của hệ thống để có thể tiết kiệm được các chi phí hóa chất, vi sinh, khoáng, năng lượng,…

Áp dụng công nghệ tiên tiến và tự động hóa: Tự động hóa toàn bộ hệ thống từ quản lý môi trường, thức ăn đến thu hoạch giúp giảm chi phí lao động và tăng năng suất. Đầu tư vào hệ thống tuần hoàn khép kín: Giảm chi phí nước và xử lý môi trường, đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng tôm.

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website