\

Nuôi biển: Mục tiêu và phát huy lợi thế vùng

Nuôi biển: Mục tiêu và phát huy lợi thế vùng

Chia sẻ nội dung:

Nuôi biển: Mục tiêu và phát huy lợi thế vùng

Nước ta có khoảng 500.000 ha tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) để trở thành một ngành kinh tế lớn. Đó là ngành sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh cao, vận hành kinh tế – xã hội – môi trường bền vững và để đạt được cần tập trung phát huy lợi thế điều kiện vùng và tiểu vùng sinh thái đặc trưng, sử dụng hợp lý tài nguyên biển bằng khoa học công nghệ, tối ưu hóa chuỗi giá trị sản phẩm.

Mục tiêu và phân bố vùng theo kế hoạch

Theo kế hoạch quốc gia, mục tiêu năm 2025 đạt diện tích mặt nước nuôi biển 280.000 ha, sản lượng 1.450.000 tấn, giá trị xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD. Đối tượng chủ lực gồm cá biển (song, bớp, vược...) chiếm hơn 50% sản lượng; và nhuyễn thể (ngao, hàu, tu hài...) tập trung ở phía Bắc, tôm hùm tập trung ở Nam Trung Bộ

Đến năm 2030, tất cả diện tích nuôi trồng và cơ sở sản xuất giống được cấp mã số nhận diện. Trong nuôi, loại bỏ phao xốp, thay thế bằng vật liệu nổi bền vững, các cơ sở nuôi được cấp chứng chỉ VietGap, ASG.. để nâng cao giá trị. Phát triển các mô hình cộng đồng.

Phân bố theo vùng cụ thể: Vùng biển Đông Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng) nuôi nhuyễn thể (ngao, hàu); Vùng biển Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Huế) nuôi cá giò, vược...; Vùng biển Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Lâm Đồng) nuôi tôm hùm, cá, trong đó, Khánh Hòa tiên phong nuôi xa bờ; Vùng biển Đông Nam Bộ nuôi hàu, cá ở các giàn khoan và vùng biển mở; Vùng biển Tây Nam Bộ nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch sinh thái.

Về công nghệ. Lồng bè truyền thống (tre, gỗ) có độ bền thấp (3 – 5 năm), dễ bị tàn phá do mưa bão, gây ô nhiễm môi trường sẽ dần loại bỏ. Khuyến khích sử dụng lồng nhựa HDPE (công nghệ Na Uy) có độ bền cao (trên 25 năm), chịu sóng gió cấp 12 và có thể tái chế, cho phép nuôi quy mô 1.000 – 5.000 m3. Chú trọng công nghệ RAS, lồng lặn, loT...

Phát triển nuôi biển là phát triển lợi thế nên việc lựa chọn địa điểm phù hợp đóng vai trò nền tảng. Để đầu tư nuôi biển đạt hiệu quả, phải phân tích lợi thế sinh thái của từng vùng, từ đó xác định các khu vực nuôi hợp lý, giảm rủi ro môi trường, đảm bảo bền vững.

Với vùng cửa sông, ven bờ, eo vịnh

Ưu điểm là gần bờ, dễ tiếp cận, kiểm soát, đầu tư thấp, phù hợp hộ nuôi nhỏ lẻ. 

Hạn chế là chịu tác động từ nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp dẫn đến tích tụ N, P, hữu cơ, gây phú dưỡng và bùng phát tảo (Eutrophication). Ít luân chuyển thủy triều, nước tù đọng, ôxy thấp gây stress cho đối tượng nuôi. Vùng này rủi ro dịch bệnh cao nếu nuôi cá/tôm mật độ lớn. 

Khuyến nghị:Chỉ nên trồng rong, nuôi nhuyễn thể lọc nước (hàu, vẹm, điệp, hến); Có thể làm vùng đệm sinh thái cho các hệ thống nuôi lân cận (Bio-buffer zones); Kết hợp mô hình IMTA (nuôi đa loài tích hợp) để cải thiện chất lượng nước.

Với vùng biển khơi

Ưu điểm là khả năng tự làm sạch cao (luân chuyển thủy triều, dòng hải lưu mạnh), ít chịu tác động chất thải từ đất liền. Thích hợp nuôi cá có giá trị cao bằng lồng HDPE lớn, bán hở hoặc kín theo công nghệ Na Uy, Nhật Bản.

Hạn chế là sóng gió lớn, yêu cầu thiết bị chịu lực, chi phí đầu tư cao. Tốn chi phí vận chuyển, giám sát, bảo trì. Rủi ro thiên tai sóng gió lớn nên cần bảo hiểm và dự báo tốt. Người nuôi phải có kiến thức chuyên sâu.

Khuyến nghị: Chỉ khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư, đồng bộ công nghệ và bảo hiểm rủi ro. Kết hợp nuôi – khai thác – dịch vụ hậu cần cảng cá tại các cụm đảo gần bờ.

Với vùng trên triều

Đây là vùng nằm phía trên cao triều, thường ở vị trí trong đê ngăn mặn hoặc vùng cát và hải đảo. Dẫn nước biển sạch từ xa bờ thông qua ống hút hoặc hệ thống kênh lọc tuần hoàn để phát triển nuôi thủy sản theo hình thức công nghiệp kiểm soát tốt môi trường.

Ưu điểm: Giảm phụ thuộc vào vùng biển khơi sóng gió. Chủ động kiểm soát chất lượng nước, phù hợp nuôi công nghệ cao trên cạn. Giảm chi phí vận hành dài hạn nếu đầu tư bài bản ban đầu. Tạo nền tảng hình thành “làng cá” ven biển: Trạm cấp nước, khu nuôi, sơ chế-chế biến, logistics gắn với sinh kế bền vững.

Hạn chế: Chi phí đầu tư hệ thống cấp nước lớn. Phải quy hoạch kỹ để tránh nhiễm mặn vào đất nông nghiệp. Cần thiết kế chống xói lở bảo vệ bờ biển và rừng phòng hộ.

Khuyến nghị: Áp dụng cho các vùng cát ven biển miền Trung, nơi đất nông nghiệp kém hiệu quả, có sẵn nguồn lao động và gần trục giao thông. Kết hợp nuôi trồng – du lịch sinh thái (ví dụ mô hình “Fish-Village Resort”).

 

Phát huy lợi thế, vượt qua thách thức

Đối với vùng cửa sông, ven bờ và các eo vịnh ưu tiên trồng rong biển và nuôi nhuyễn thể có thể phát triển các mô hình nuôi ghép tích hợp như cá biển – rong biển – nhuyễn thể. Thiết kế hợp lý để tận dụng sinh khối dư thừa và chất thải làm nguồn dinh dưỡng tuần hoàn, hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sinh thái – kinh tế của hệ thống nuôi.

Vùng trên triều có tiềm năng phát triển nuôi cá biển công nghiệp quy mô lớn, hiện đại. Tại đây, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất giống, nuôi, cung cấp thức ăn, vật tư đầu vào đến khâu chế biến, xuất khẩu. Việc cấp nước biển sạch thực hiện qua đường ống hút từ biển khơi; nước thải xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường, hoặc tái sử dụng cho các vùng trồng rong và nuôi nhuyễn thể.

Lợi thế về điều kiện vùng và tiểu vùng sinh thái đặc trưng khi được khai thác hợp lý sẽ phát triển nuôi biển đa dạng cho sản phẩm phong phú, giá trị cao. Từ đó, tổ chức sản xuất liên kết chuỗi giá trị hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên – xã hội từng vùng, hướng tới kinh tế tuần hoàn và phát thải thấp để vượt qua các thách thức.

Mrs Thoa - Miền trung
SĐT: 0978 182 284
Mrs Huyền - Miền Nam
SĐT: 0905 252 284
Danh bạ website