
Chia sẻ nội dung:
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 tăng gần 19% và những biến động
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái giữa bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Những thị trường lớn và sự biến động
Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng, chiếm thị phần lần lượt 19,6%, 18,2% và 15%. Ở 3 thị trường này, đầu năm nay có nhiều biến động.
Thị trường Trung Quốc trong tháng 6 tiếp tục tăng 20% để lũy kế 6 tháng đạt 1,1 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ. Thị trường Nhật Bản trong tháng 6 tiếp tục tăng 21% để lũy kế 6 tháng đạt 822 triệu USD, tăng 18,3%.
Thị trường Mỹ trong tháng 6 giảm 26% do nhiều doanh nghiệp dừng xuất khẩu để tránh rủi ro thuế đối ứng mới ở mức cao. Tuy nhiên, nhờ đợt “tăng tốc” giao hàng trước ngày 9/7/2025 - thời điểm Mỹ dự kiến áp dụng thuế đối ứng mới nên lũy kế 6 tháng vẫn đạt 891 triệu USD, tăng 15,7%.
Các thị trường Hàn Quốc, ASEAN tiếp tục đà tăng trưởng trong tháng 6, theo thứ tự là 14,8% và 27,7% nên cả 6 tháng đạt 406 và 341 triệu USD, tăng 12 và 25%.
Thị trường EU giảm 1,2% trong tháng 6 nhưng cả 6 tháng vẫn đạt 557 triệu USD, tăng 11%. Thị trường Trung Đông tháng 6 giảm 16% do chiến sự nên cả 6 tháng giảm 7,9%.
Ba sản phẩm tôm, cá tra và cá ngừ
Hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra có mức tăng trưởng khả quan. Trong 6 tháng, tôm đạt 2,07 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ và cá tra đạt 1 tỷ USD, tăng 10%.
Ngành cá tra còn có tín hiệu lạc quan ở thị trường Mỹ, khi mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng kỳ rà soát POR20, với 7 doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Nếu mức thuế đối ứng sắp tới không cao, đây có thể là cơ hội để cá tra Việt Nam bứt phá ở Mỹ.
Riêng cá ngừ lại giảm mạnh trong tháng 6, giảm hơn 31% so với cùng kỳ do ảnh hưởng thuế quan từ Mỹ và chiến sự Trung Đông. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu cá ngừ giảm gần 2%. Sụt giảm điển hình ở Israel– thị trường tiêu thụ lớn cá ngừ hộp – giảm hơn 50% so với cùng kỳ.
Hai kịch bản những tháng cuối năm 2025
Nửa cuối năm 2025 vẫn còn nhiều ẩn số với thủy sản xuất khẩu của nước ta. Trước hết, phụ thuộc mạnh vào chính sách thuế đối ứng của Mỹ và chiến sự Trung Đông cùng bất ổn một số khu vực khác. Đặc biệt, ở Mỹ tôm có nguy cơ đối mặt với “thuế chồng thuế” gồm thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.
VASEP đưa ra hai kịch bản dự báo cho xuất khẩu thuỷ sản trong nửa cuối năm 2025:
Kịch bản 1: Thuế đối ứng của Mỹ là 10%, kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể giảm còn khoảng 9,5 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với dự báo trước đây. Các thị trường như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và EU có thể hấp thụ một phần hàng hóa điều tiết từ Mỹ.
Kịch bản 2: Thuế đối ứng trên 10%, xuất khẩu có nguy cơ giảm chỉ còn 9 tỷ USD hoặc thấp hơn nữa. Thị trường Mỹ không còn ổn định, nhất là với các mặt hàng có chuỗi cung ứng phức tạp và thủy sản Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ.
Lãnh đạo VASEP nhấn mạnh, trong kịch bản xấu nhất, nếu các quốc gia cạnh tranh với thuỷ sản Việt Nam như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia được Mỹ áp thuế thấp hơn Việt Nam, thì cạnh tranh sẽ gay gắt. Khi đó, thuỷ sản Việt Nam phải dịch chuyển sang các thị trường như Nhật Bản, EU và ASEAN nhưng khả năng bù đắp là có hạn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chưa phục hồi mạnh.